Tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

author 15:05 04/09/2020

(VietQ.vn) - Mặc dù thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng mạnh (đạt trên 32% vào năm 2019), thế nhưng theo đại diện Bộ Công Thương, cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử và các hoạt động giao dịch trực tuyến có liên quan được phát triển một cách đúng hướng và bền vững.

Thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng mạnh

Theo đánh giá của Nielsen - công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu - năm 2020, có 55% dân số Việt Nam hoàn toàn có khả năng truy cập internet. Với xu hướng này, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao sẽ ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì mức độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với doanh nghiệp khi lựa chọn để chuyển đổi sang phương thức bán hàng trực tuyến thay vì cách thức truyền thống trước đây và mặc nhiên, thương mại điện tử đang trở thành một xu hướng không thể đi ngược trong thời đại 4.0.

Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Đối ngoại cấp cao khu vực miền Bắc Công ty cổ phần Tiki (Tiki) nhận định, bằng những lợi thế như tăng nhanh quá trình lưu thông tiền và hàng hóa; hạn chế rủi ro so với thanh toán bằng tiền mặt, lại vừa nhanh chóng, tiện lợi, an toàn bảo mật thông tin và linh hoạt về phương thức thực hiện, thị trường thương mại điện tử chắc chắn sẽ "bùng nổ" trong tương lai rất gần, bắt kịp xu thế chung của thế giới.

Cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế nhưng việc thanh toán trực tuyến, mua sắm online và sự phát triển của thương mại điện tử vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng. Bởi ông Quyền thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, chính là còn thiếu nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển; có sự lệch pha giữa thương mại điện tử với việc thanh toán online và còn thiếu các giải pháp thanh toán trực tuyến đủ độ tin cậy để đáp ứng cho thị trường này.   

Bên cạnh đó, vẫn chưa có những chính sách và cơ chế tài chính thông thoáng mang tính động lực để doanh nghiệp thương mại điện tử trông vào đó mà nỗ lực phấn đấu hay tự tin lấy đó làm chỗ dựa để mạnh dạn tăng cường đầu tư…

Ngoài ra, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng việc bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu thông tin của khách hàng cũng là vấn đề rất cần được quan tâm và phải có những hành lang pháp lý, chế tài đủ sức nặng để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Vì vậy, để thương mại điện tử ngày càng phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng, theo ông Cao Xuân Quảng, Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cần có những giải pháp mạnh tay hơn nữa để bảo vệ không chỉ người tiêu dùng mà cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhất là doanh nghiệp trong nước.

Ông Quảng thông tin, thủ đoạn và hình thức vi phạm trong thương mại điện tử ngày càng tinh vi, phức tạp do tính chất công nghệ. Thường xuyên vẫn có nhiều vụ việc khiếu nại, kiện khi người tiêu dùng mua hàng không giống như nội dung quảng cáo, hay tình trạng bị mạo danh bên thứ 3 giao hàng khi khách đặt mua trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi thu thập, sử dụng thông tin của khách hàng một cách trái phép và nhiều vụ việc khiếu nại có thời gian giải quyết kéo dài, gây mất niềm tin không chỉ của người tiêu dùng mà cả doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn thương mại điện tử không nhiều, song vẫn cần sớm hoàn thiện các khung khổ pháp lý.

Ông Quảng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm nghiên cứu để đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tư vấn, giải quyết các vấn đề thanh, kiểm tra liên quan tới thương mại điện tử một cách nhanh chóng, thuận lợi và công bằng. Có như vậy, mới tạo môi trường thuận lợi cho thị trường thương mại điện tử và các hoạt động giao dịch trực tuyến có liên quan được phát triển một cách đúng hướng và bền vững.

Phấn đấu đạt trên 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử(VietQ.vn) - Bộ Công Thương vừa hoàn thành việc xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phấn đấu đạt trên 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử.

Thanh Tùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang