Vụ Thuận Phong sản xuất phân bón giả làm 'nóng' phiên thảo luận của Quốc hội

author 16:00 02/11/2017

(VietQ.vn) - Vụ việc Công ty CP Sản xuất thương mại (CP SXTM) Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) sản xuất phân bón giả đã tạo nên sự tranh luận gay gắt từ nhiều đại biểu quốc hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 31/10, khi đề cập đến trách nhiệm của đại biểu và các đoàn đại biểu Quốc hội đối với các vụ việc bức xúc của người dân như Đồng Tâm, VN Pharma…, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề cập đến vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, xảy ra đã lâu nhưng chưa thấy đại biểu tỉnh Đồng Nai có động thái giám sát.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu về vụ Thuận Phong sản xuất phân bón giả. Ảnh: VnEconomy 

Tranh luận lại với đại biểu Nhưỡng, đại biểu Hồ Văn Năm - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, quan điểm của tỉnh là kiên quyết xử lý vụ Thuận Phong vì vụ việc này ảnh hưởng lớn tới người nông dân.

Ông Năm cho biết: "Vụ Thuận Phong lúc đầu do các cơ quan Trung ương phát hiện và chuyển giao cho Đồng Nai xử lý. Các cơ quan Trung ương yêu cầu xử lý Thuận Phong về tội buôn bán hàng giả, thế nên phải giám định. Nhưng khi giám định thì lại có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ".

Cũng theo đại biểu Năm, sau đó vụ Thuận Phong đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công an xử lý. Bộ Công an lại giao về cho Đồng Nai xử lý.

"Các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố", ông Hồ Văn Năm nói.

Đại biểu Hồ Văn Năm - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định quan điểm của tỉnh là kiên quyết xử lý vụ Thuận Phong. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Năm cho biết, sau khi Ban Nội chính Trung ương vào cuộc thì các cơ quan tư pháp đã báo cáo, cấp ủy cũng báo cáo, đề xuất Ban Nội chính Trung ương cho quan điểm để xử lý vụ việc này, chứ không bao che.

"Tuy nhiên, khởi tố là rất quan trọng, ảnh hưởng đến chính sách, chế độ, nhân phẩm, danh dự của doanh nghiệp đó, có thể dẫn đến phá sản doanh nghiệp", ông Năm nói.

Do đó, "các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục xin ý kiến, và đặc biệt Ban Nội chính Tỉnh ủy đã báo cáo xin ý kiến của Ban Nội chính Trung ương, đề nghị họp các cơ quan tố tụng ở Trung ương và địa phương để thống nhất đánh giá lần cuối cùng trước khi quyết định khởi tố hay không khởi tố, để xử lý cho đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội".

Đến sáng nay 2/11, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) giơ bảng tranh luận: "Đại biểu Năm nói rằng địa phương đã làm rất cẩn trọng, bảo vệ danh dự của doanh nghiệp. Kết luận lại là không có dấu hiệu tội phạm, đề nghị giải thích rõ việc này trước dư luận, nhân dân và bằng các bằng chứng cụ thể".

Ông Sơn cho biết, 2 ngày vừa qua các cử tri trong ngành tư pháp gọi điện và nói rằng trả lời như đại biểu Hồ Văn Năm là chưa ổn. "Tôi đã đọc lại hồ sơ và cũng thấy như vậy", ông Sơn nói.

Đại biểu Đà Nẵng bày tỏ: "Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đeo bám, chỉ đạo quyết liệt vụ này thì nhân dân mới yên lòng. Không chỉ phân bón, mà nạn hàng giả đang hoành hành, cần phải xử lý kiên quyết".

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) - Ảnh: Quochoi.vn 

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng giơ bảng để tranh luận với đại biểu Nguyễn Bá Sơn: "Phát biểu của tôi không hẳn là tranh luận, mà xin cung cấp thông tin bởi đang truyền hình trực tiếp, thông tin không chính xác thì cử tri hiểu nhầm".

Đại biểu Hồng cho biết đây là vụ việc phức tạp, từng bị xử lý hành chính. Quá trình xem xét vụ việc này cũng có nhiều quan điểm khác nhau, nhiều vấn đề được đặt ra như đó là hành vi buôn bán hàng cấm, hàng giả hay hàng kém chất lượng...

"Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra, xem xét lại, chứ không phải là đã kết luận không có dấu hiệu tội phạm. Có thể đại biểu Hồ Văn Năm phát biểu có câu nọ, câu kia gây hiểu nhầm", ông Hồng cho biết.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng một khâu rất quan trọng trong xem xét vụ này là công tác giám định của các cơ quan chức năng.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Cà Mau) cũng tranh luận lại với Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Đại biểu Vân cho rằng: Các Đại biểu Quốc hội đều đồng hành với Chính phủ và không phải lúc nào sự đồng hành ấy cũng cần phải gặp gỡ báo chí để… nói rõ.

Phong Lâm (T/h)

Vụ phân bón Thuận Phong: “Điểm mù” Ban chỉ đạo 389Vì sao một doanh nghiệp buôn bán hàng giả như Thuận Phong lại có thể tồn tại được trong nhiều năm qua với quy mô lớn, gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe cho hàng triệu nông dân? Dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sáu bộ, ngành vào cuộc; nhiều kết luận chỉ rõ hành vi sai phạm của Công ty Thuận Phong có dấu hiệu của tội buôn bán hàng giả, cụ thể ở đây là phân bón.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang