Điện "đội giá" do phí chồng phí

author 16:28 18/04/2012

Cho ý kiến vào dự thảo Luật điện lực sửa đổi, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan ngại giá bán lẻ điện đến người tiêu dùng (NTD) sẽ tăng lên đáng kể, cho dù các yếu tố đầu vào để sản xuất, truyền tải, phân phối điện không thay đổi, do điện phải chịu quá nhiều các loại giá, phí.

Giá điện hiện rất tù mù

Theo dự thảo Luật điện lực sửa đổi, khi sử dụng điện, NTD phải chịu các loại giá, phí gồm khung giá phát điện; giá truyền tải, giá phân phối, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá bán buôn; phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực và phí điều tiết hoạt động điện lực.

“Nguồn điện đến tay NTD phải qua 4 tầng nấc, từ khâu phát điện, truyền tải điện đến phân phối và kinh doanh, ở tầng nấc nào cũng quy định thêm các loại phí khác nhau sẽ khiến giá điện bị đội lên cho dù yếu tố đầu vào để sản xuất điện như nguyên nhiên vật liệu, điều kiện thủy văn, lương tối thiểu, tỷ giá… không thay đổi”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại.

Người dân không biết giá điện họ phải trả hàng tháng được hình thành dựa trên những yếu tố nào
Người dân không biết giá điện họ phải trả hàng tháng được hình thành dựa trên những yếu tố nào

Ông Hiển cho rằng, giá điện hiện nay rất tù mù. Người dân không biết giá điện họ phải trả hàng tháng được hình thành dựa trên những yếu tố nào, các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống phát điện, truyền tải điện, phân phối và kinh doanh điện lãi lỗ ra sao.

Mặt hàng xăng dầu được điều hành theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP rất minh bạch, vì người dân nếu muốn hoàn toàn có thể biết được giá cơ sở (bao gồm giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, trích quỹ bình ổn giá, các loại phí) và lợi nhuận định mức tính trên mỗi lít xăng dầu bán ra. Nhưng với mặt hàng điện, người tiêu dùng hoàn toàn… tù mù.

“Quản lý giá điện cũng phải thực hiện như đối với mặt hàng xăng dầu và công khai, minh bạch để NTD biết, chia sẻ với những khó khăn của ngành điện. Mặt hàng điện còn lâu mới vận hành theo cơ chế thị trường, vì vậy cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước”, ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý bày tỏ bất ngờ khi dự thảo Luật điện lực đặt thêm một loại phí là phí điều tiết hoạt động điện lực - khoản thu được Bộ Công Thương (cơ quan chủ trì xây dựng Luật điện lực) lý giải là để bù đắp chi phí cho công tác điều tiết các hoạt động điện lực.

“Điều tiết các hoạt động điện lực là công việc quản lý nhà nước, là trách nhiệm của Bộ Công Thương chứ không phải hoạt động cung cấp dịch vụ nên khoản thu này trái với Luật phí và lệ phí”, ông Lý lập luận và lo ngại, nếu bổ sung thêm loại phí này vào giá thành điện thì giá bán lẻ chắc chắn sẽ tăng lên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, Cục điều tiết điện lực - cơ quan quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm điều tiết hoạt động điện lực nên về nguyên tắc không được phép thu phí.

“Nhưng điều tiết điện lực là hoạt động rất đặc thù, nếu không có thêm nguồn thu (từ phí điều tiết) thì rất khó thu hút những người có năng lực, trình độ vào làm việc”, ông Hoàng giải thích. Tuy nhiên, trước sự phản ứng của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hoàng cho biết sẽ bàn với Bộ Tài chính để giải trình rõ hơn vấn đề này.

"Không nên áp đặt giá phát điện..."

Theo dự thảo Luật điện lực sửa đổi, từ khung giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện và các loại phí (trừ phí điều tiết điện lực) đều giao cho các đơn vị điện lực  xây dựng, cơ quan điều tiết điện lực thẩm định và trình Bộ Công thương phê duyệt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc giao cho các đơn vị điện lực xây dựng các loại giá, phí nhưng phải trình Bộ Công Thương phê duyệt thì giá điện chưa thể hướng đến cơ chế thị trường.

 “Mấu chốt của cơ chế thị trường là tổ chức, cá nhân được quyền quyết định giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhưng với cơ chế giá điện như dự thảo thì bao giờ Việt Nam mới hình thành được giá điện theo cơ chế thị trường”, ông Hùng phân tích.

Hiện tại EVN đang sở hữu, quản lý, vận hành khoảng 57% tổng công suất nguồn điện; 43% nguồn điện do các doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác quản lý, gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản 5%, công ty cổ phần 11%, công ty tư nhân 2%, nhà đầu tư nước ngoài 9%, Tập đoàn Dầu khí 11%, nhập khẩu 4% và các nguồn khác khoảng 1%.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mặc dù EVN vẫn đang độc quyền về nguồn điện (nếu tính cả các nguồn điện mà EVN giữ cổ phần chi phối thì tập đoàn này nắm giữ tới 67% tổng nguồn điện), nhưng các thành phần kinh tế và doanh nghiệp khác nắm giữ thị phần phát điện không nhỏ, vì vậy giá phát điện phải để thị trường điều tiết. Nhà nước (hiện tại giao cho EVN) chỉ độc quyền khâu truyền tải điện, vì thế chỉ nên định giá các loại giá khác còn giá phát điện phải để các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nguồn điện quyết định.

“Mình muốn phát triển nguồn điện, đa dạng hóa nguồn điện thì ngoài các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ... phải để cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định giá phát điện. Nếu giá phát điện cao, truyền tải điện bị lỗ thì phải có cơ chế, chính sách khác hỗ trợ chứ không nên áp đặt giá phát điện theo kiểu phi thị trường”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, ngay cả giá bán lẻ điện cũng chỉ nên giao Thủ tướng quyết định giá bình quân. Căn cứ vào giá bán lẻ điện bình quân, doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ điện đến từng đối tượng, giá điện phân theo giờ, giá điện phân theo ngày, giá điện bán theo số thực tế mà người tiêu dùng cá nhân sử dụng, giá bán cho người nghèo, đối tượng chính sách… miễn không vượt quá giá bán lẻ điện bình quân.

Cần cơ chế xác định giá bán điện phù hợp

Hiện tại EVN vẫn bị lỗ do nhiều thời điểm phải bán lẻ điện dưới giá thành sản xuất, mua vào, nhập khẩu; người tiêu dùng, doanh nghiệp gặp phải khó khăn do giá điện quá cao. Theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên nhân là việc xác định giá bán điện không theo cơ chế thị trường đối với một số lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là ngành sản xuất thép và xi măng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ tính riêng năm 2010, sản lượng điện bán cho ngành thép và xi măng lên tới 982 triệu kWh, chiếm hơn 11% sản lượng điện thương phẩm với mức giá 914 đồng/kWh khiến ngành điện bị lỗ 2.547 tỷ đồng, trong đó lỗ do bán điện cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hơn 506 tỷ đồng.

“Phải có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp mới khắc phục được tình trạng này, cũng như việc người dân và nền kinh tế phải chịu giá điện cao do phải gánh cả giá điện bán cho ngành thép, xi măng và các ngành sản xuất khác”, ông Hiển nhấn mạnh.

 

Theo báo Đầu Tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang