Điện hạt nhân - tầm nhìn chiến lược

author 08:45 02/01/2015

Theo dự báo, trong vài năm tới, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Cuộc khủng hoảng cung - cầu điện năng sẽ gay gắt gấp bội hiện nay. Trong tình thế việc khai thác năng lượng truyền thống, nhập khẩu năng lượng… sẽ khó đáp ứng được nhu cầu và bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước, điện hạt nhân được coi là nguồn năng lượng mới trong tầm nhìn chiến lược của ngành năng lượng Việt Nam.

Sẽ mất cân bằng cung - cầu điện

Nhiều chuyên gia năng lượng đã cảnh báo, mặc dù hiện là quốc gia xuất khẩu năng lượng nhưng với cách sử dụng và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện tại thì trong tương lai gần, nước ta sẽ mất cân bằng về cung - cầu điện, thậm chí thiếu hụt trầm trọng.

Theo ông Cù Huy Quang - Chuyên gia thuộc Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, trong giai đoạn 2010 - 2020, Việt Nam xuất hiện sự mất cân đối cung cầu các nguồn năng lượng nội địa. Đến năm 2030, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chuyển từ nước chuyên xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu nếu tiếp tục tình hình sử dụng năng lượng đang diễn ra như hiện nay.



Phó vụ trưởng Vụ KH - CN và Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương Nguyễn Văn Long cho biết, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015 và 5 lần vào năm 2025 nếu so sánh với mức tiêu thụ hiện tại và nếu như vấn đề tiết kiệm năng lượng không được quan tâm đúng mức thì năng lượng sẽ tác động nặng nề lên nền kinh tế quốc dân và tác động đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.

Còn theo tính toán của các chuyên gia quản lý về năng lượng, dự tính tới năm 2050, nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tăng 50% và tạo ra một khoảng cách lớn về cân bằng cung cầu điện. Cũng theo dự báo, đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam sẽ tăng lên 15 lần. Nếu không kịp thời có những chính sách phát triển năng lượng bền vững, nước ta có thể đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai.

Đi tìm giải pháp “cứu cánh”

Để giải bài toán cung - cầu điện năng, nhiều giải pháp đã được đặt lên bàn để phân tích, mổ xẻ. Giải pháp trước hết là phát triển thủy điện. Thực tế thủy điện đã và đang được khai thác triệt để và nguồn tài nguyên trắng và sạch đó không phải là vô tận. Sau Nhà máy thủy điện Sơn La, những nhà máy công suất lớn, cỡ 1.000 MW (megawatt), thậm chí 600 MW cũng không còn nữa. Điều này có nghĩa là thủy điện chưa phải là nguồn điện cứu cánh trong một hai thập kỷ tới. Đó là chưa nói đến những hệ lụy và hệ quả mà thủy điện đã và đang gây ra.



Nhiệt điện than và dầu khí? Đây là dạng năng lượng chủ chốt đang được tập trung khai thác, nhưng nguồn dự trữ rất hạn chế; thậm chí, những năm gần đây, mỗi năm phải nhập khoảng vài ba chục triệu tấn than đá. Điều quan ngại lớn hơn của nhiệt điện chính là khí phát thải, là hiệu ứng nhà kính, là sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các nguồn năng lượng mới? Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học quả là những nguồn năng lượng sạch, cần thiết và đang được đầu tư nghiên cứu phát triển ở nhiều nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, theo tính toán, khả năng đóng góp tất cả các nguồn điện năng này trong năm 2020, ở nước ta, cũng chỉ khoảng 2.800 MW, tương đương công suất của hai lò phản ứng hạt nhân năng lượng…

Giải pháp nhập khẩu năng lượng? Đây là một giải pháp đang được khai thác và sẽ đẩy mạnh hơn trong tương lai. Hiện chúng ta đang nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc... Theo dự tính, đến năm 2020, năng lượng nhập khẩu dự tính chiếm khoảng 38 - 53% tổng năng lượng cần thiết. Điều đáng nói hơn là một chiến lược năng lượng quá phụ thuộc vào nhập khẩu hẳn là phiêu lưu và chỉ có thể chấp nhận trong những trường hợp bất khả kháng.

Cuối cùng là tiết kiệm năng lượng - một giải pháp chung của mọi quốc gia và đối với các nước đang phát triển như nước ta càng có ý nghĩa đặc biệt. Tuy vậy, tiết kiệm năng lượng cũng chỉ góp phần giảm bớt chứ không thể giải quyết căn bản tình trạng mất cân bằng cung cầu điện năng.

Điện hạt nhân sẽ là nguồn năng lượng chủ lực

Có thể nói, các giải pháp trên đây đều có vai trò nhất định đối với nguồn điện năng quốc gia. Tuy nhiên, xem ra chưa có giải pháp nào trong đó có thể là cứu cánh, giúp ngành năng lượng nước ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng cung - cầu, ít nhất trong một vài thập kỷ tới. Trong tình thế đó, điện hạt nhân được coi là nguồn năng lượng mới nằm trong tầm nhìn chiến lược của ngành năng lượng Việt Nam.



Ngày 25.11.2009, QH Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41 về chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại và năm 2021 vận hành tổ máy 2. Đến năm 2030, triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo, đưa điện hạt nhân thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước, chiếm tỷ lệ thích hợp trong cơ cấu nguồn điện của quốc gia (dự tính tổng công suất điện hạt nhân đạt khoảng 10.700 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất điện và đóng góp khoảng 10% vào tổng sản lượng điện quốc gia)…

Để triển khai thực hiện dự án, Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ với Liên bang Nga và Nhật Bản về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 1 và số 2 tại Ninh Thuận. Theo đó, việc đầu tư phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân là phải bảo đảm được ba yêu cầu: an toàn và an ninh cao nhất; thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng và phù hợp tài liệu hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); dự án phải có hiệu quả kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân, để có bước đi vững chắc, an toàn và an ninh cho điện hạt nhân, cùng với việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tham gia các điều ước quốc tế; tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân, các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, chúng ta đã và đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ bản.

Với sự giúp đỡ của Liên bang Nga, Việt Nam sẽ có một đội ngũ nhân lực và một trung tâm KHCN hạt nhân trị giá 500 triệu USD, đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học về lĩnh vực năng lượng nguyên tử vào năm 2017. Hiện đã có 139 sinh viên cam kết sẽ về làm việc cho nhà máy 1, chủ yếu được đào tạo tại Nga. Nguồn cho nhà máy 2 là khoảng 180 người đào tạo tại các trường đại học có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân trong nước.

Báo cáo mới đây nhất của Chính phủ về tình hình tiến độ Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận cho thấy một khối lượng lớn công việc của dự án này đã được hoàn thành theo nhiệm vụ và tiến độ được giao.

PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang