Doanh nghiệp cần đi nhanh vào kinh tế số nhưng phải 'lượng sức mình'

author 14:39 18/05/2018

(VietQ.vn) - Theo TS Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp cần hiểu rõ những thời cơ và thách thức khi tham gia vào nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ của thế giới.

Sự kiện: Rào cản thương mại và hội nhập

Kinh tế số ngày càng phát triển mạnh mẽ

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nền kinh tế trên toàn thế giới hiện nay đang được dẫn dắt bởi công nghệ số. Công nghệ số đã đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống hàng ngày và trong công việc kinh doanh.

Công nghệ số cũng được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, để giúp Hiệp hội trở thành một trong năm nền kinh tế số hóa trên thế giới trước năm 2025.

Theo báo cáo của Google và Temasek, tăng trưởng của nền kinh tế số khu vực ASEAN năm 2017 đã có tốc độ đột phá, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 27%/năm và đạt mốc 50 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực; dự kiến sẽ đạt 6% GDP vào năm 2025. Đóng góp vào sự tăng trưởng này là các ngành như du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, phương tiện truyền thông và giải trí trực tuyến, đặt xe trực tuyến...

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: ĐBND

Vì thế, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tại Việt Nam, xu thế số hoá đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, cần nhìn vào thực tế dù có tiềm năng nhưng mức độ phát triển còn hạn chế; hiện tỷ trọng thương mại điện tử mới chiếm 3,6% doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam, trong khi tỷ trọng này tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có mức trung bình là 14,5%.

Chia sẻ thêm quan điểm về vấn đề trên, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, các doanh nghiệp (DN) không thể bỏ qua cơ hội phát triển từ việc tận dụng công nghệ số.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã chia sẻ một ví dụ thành công khi ứng dụng công nghệ số. Đó là một DN chế biến thực phẩm tại TPHCM  nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ đóng gói, đóng hộp, giúp DN này giảm được số nhân công, chi phí và giờ làm, từ 20 nhân công xuống còn 2 người vận hành máy. Sắp tới đây, DN này còn tiếp tục đầu tư dây chuyền dập hàng, mới năng suất tương đương hàng trăm công nhân.

Doanh nghiệp cần chớp thời cơ, vượt qua thách thức

Đối với xu hướng hiện tại của kinh tế số, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội lớn để phát triển kinh doanh cho các DN.

Nếu tận dụng được các cơ hội này, các DN Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới. Đặc biệt, kinh tế số sẽ tạo động lực cho các DN nhỏ và vừa phát triển hơn, trở thành động lực then chốt của tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, cơ hội sẽ mở ra cùng thách thức, nhất là khi phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, thậm chí là các hộ kinh doanh.

Khi bước vào nền kinh tế số, DN sẽ gặp khó khăn về thị trường, nhiều DN nước ngoài đã nhanh chóng có mặt tại Việt Nam, phát triển lớn mạnh ở mọi ngành nghề nên các DN Việt Nam nếu không bắt kịp có thể thua ngay trên sân nhà. Ngoài ra, DN còn gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin, môi trường pháp lý phù hợp cho nền kinh tế số chưa hoàn thiện, thách thức về an ninh, bảo mật…

DN Việt cần nắm rõ cơ hội và thách thức khi tham gia nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ của thế giới. Ảnh: TC Tài chính 

Có nhiều DN còn cho biết, DN đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, DN muốn muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế kỹ thuật số, nhưng lại gặp những phiền toái về truy cập Internet, đường truyền cũng như thiếu các kiến thức cơ bản về công nghệ và chi phí đắt đỏ của các thiết bị công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, DN không nên quá sợ hãi hoặc ồ ạt chuyển sang công nghệ số bằng được, mà phải phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, trình độ năng lực của từng DN. Bởi tại Nhật Bản, có nhiều DN vẫn giữ công nghệ cũ nhưng họ vẫn đạt được thành công nhờ chiến lược kinh doanh bền vững, nhắm đúng yêu cầu thị trường.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, để kinh tế số thực sự phát triển ở Việt Nam, cần có môi trường pháp lý phù hợp. Đây là một thành tố quan trọng, nếu có một khung pháp lý phù hợp, nó sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi giữa nền kinh tế và nền kinh tế số diễn ra một cách mau chóng và mạnh mẽ hơn ở Việt Nam. Trong đó có luật văn bản điện tử, luật giao dịch điện tử và luật chữ ký số để hỗ trợ giao dịch điện tử. Cần tiến tới việc thay đổi nhận thức để công nhận văn bản điện tử cũng có giá trị như trên giấy tờ.

Bảo Bình

Thái Lan tập trung phát triển nền kinh tế số(VietQ.vn) - Thái Lan sẽ chính thức thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế Kỹ thuật số vào tháng 9 để thay thế bộ Công nghệ Thông tin và truyền thông (ICT).
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang