Doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến tiêu chí 'xanh' đối với sản phẩm, hàng hóa

author 05:40 08/10/2023

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn trong việc đặt ra chiến lược phát triển mang tính dài hơi, bền vững. Trong đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu.

Nhiều "điểm sáng" trong 9 tháng năm 2023

Số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 4,24%. Trong kết quả này, quý III GDP đạt 5,33%, là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, GDP cũng tăng dần theo các quý (quý I tăng 3,3%, quý II tăng 4,1%).

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để có sự phục hồi như vậy, rõ ràng chúng ta đã khá lên sau từng tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước. Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta.

Ông Phương đánh giá cao công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng vừa qua. Sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống.

Thứ hai, chúng ta cũng vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được.

Điểm sáng thứ ba là giải ngân đầu tư công. Năm nay là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm.

Ngoài ra, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Doanh nghiệp ý thức về sự phát triển bền vững

 Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị. Ảnh minh họa.

Cũng theo Thứ trưởng, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, bên cạnh những mặt tích cực đạt được cũng nêu rất rõ khó khăn, thách thức và dự báo trong bối cảnh tình hình 3 tháng cuối năm và định hướng trong năm 2024.

Thứ nhất, bối cảnh vĩ mô toàn cầu rõ ràng chưa có sự ổn định. Hiện nay, tình hình lạm phát giá cả toàn cầu, các ứng xử về chính sách tài khóa tiền tệ rất khó đoán định, do vậy ứng xử của chúng ta trong điều hành chính sách tiền tệ trong nước cần phải rất cẩn trọng, theo dõi chặt chẽ biến động của thị trường thế giới để kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt.

Thách thức, khó khăn thứ hai là những vấn đề về chính trị, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, cũng như vấn đề liên quan đến năng lượng, lương thực... Tác động của những vấn đề này không trực tiếp đến nước ta, nhưng vẫn ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, kỳ vọng vào cuối 2023, có nhiều sự kiện sẽ kích thích cầu của thế giới tăng lên. Đây là cơ hội để lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta gia tăng hơn.

Thứ ba, các doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn trong việc đặt ra chiến lược, phát triển mang tính dài hơi, bền vững. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang phải đối diện với 2 vấn đề lớn. Đó là khi càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu lại phải đua theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra. Và họ sẽ phải tự chuyển đổi các mô hình, cách thức quản lý, ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.

Chẳng hạn như quan tâm đến tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Nếu không quan tâm đến vấn đề đó, việc đạt được các đơn hàng trong tương lai là rất khó vì sự cạnh tranh khốc liệt. Do đó, để chiến thắng, họ phải quan tâm đến vấn đề này.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề này và Nhà nước cũng rất muốn đồng hành cùng doanh nghiệp. Quan trọng là các doanh nghiệp phải thể hiện nhu cầu Nhà nước có thể hỗ trợ gì trong việc chuyển đổi cơ cấu để ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới, đáp ứng tiêu chuẩn mới của toàn cầu.

Tiếp theo, doanh nghiệp cần nghĩ tới các mô hình mới. Có lẽ mô hình truyền thống không phù hợp với bối cảnh hiện nay nữa. Bởi vậy, chúng ta phải nghĩ đến mô hình mới, tiếp cận những cái mới. Chúng ta thấy rằng, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam đã mở ra những cơ hội mới, lĩnh vực, ngành nghề mới cho nền kinh tế. Và chỉ có những cái mới mới mang lại động lực mới cho kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến xu thế hiện nay là sản xuất bán dẫn. Một ngành khoa học vừa là nghiên cứu, phát triển, sản xuất rất toàn diện, là cơ hội rất lớn cho chúng ta hướng tới các điều kiện mà mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ được nâng cấp, thu hút các doanh nghiệp lớn đến Việt Nam.

Tựu chung lại, vấn đề chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu và là điều kiện tiên quyết để chúng ta tác động đến những mô hình sản xuất cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.

"Đây là một số khó khăn, thách thức chúng ta phải đối mặt dù chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, trong lúc thuận lợi vẫn có khó khăn. Và kể cả trong lúc rất khó khăn chúng ta vẫn có thể tìm ra những cơ hội", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang