Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường

author 21:41 09/09/2024

(VietQ.vn) - Với 212 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và 55 chủng loại hàng hóa đến 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh minh họa

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 212 doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng hóa xuất khẩu với 55 chủng loại hàng hóa được xuất khẩu đến 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã thâm nhập thành công vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD theo kế hoạch trong bối cảnh còn nhiều thách thức, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đồng thời có các giải pháp ứng phó linh hoạt nhằm duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng đàm phán với khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và khai thác tốt thị trường tiêu thụ là những biện pháp tối ưu giúp doanh nghiệp ứng phó với những biến động phức tạp của thương mại toàn cầu.

Một ví dụ điển hình là Công ty THN Automotive Systems Việt Nam, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2024 tại huyện Triệu Sơn. Công ty chuyên sản xuất dây điện cho các dòng xe ô tô điện của Hyundai và Kia. Ông Lee Kwang Ho - Tổng giám đốc Công ty, chia sẻ: "Thế giới đang hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, vì vậy chúng tôi chuyển hướng sang sản xuất cho các dòng xe sử dụng xăng-điện và xe điện hoàn toàn. Nhờ duy trì chất lượng sản phẩm tốt, nhà máy tại Việt Nam đã nhận được các đơn hàng lớn từ tập đoàn."

Ngoài lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp chế biến nông sản tại Thanh Hóa cũng đạt được nhiều thành công trong xuất khẩu. Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, huyện Nông Cống, xuất khẩu nông sản sang Nga và Romania. Ông Lê Trường Tùng - Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, cho biết: "Để đạt tiêu chuẩn quốc tế, hàng hóa của chúng tôi phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe, từ đầu vào đến đầu ra."

Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa đã nổi bật với việc xuất khẩu ngao đạt chứng nhận bền vững ASC – một trong những tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất cho nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm của công ty đã thâm nhập thành công vào các thị trường khó tính như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ.

Bà Trịnh Thị Cúc - Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa chia sẻ: "Chúng tôi đã đầu tư vào tự động hóa và các thiết bị lạnh tiên tiến để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. Sản phẩm của chúng tôi hiện được đánh giá cao và đạt nhiều chứng chỉ quốc tế."

Về phía ông Phạm Tiến Nam - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tập đoàn Đại Phát, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Đơn hàng xuất khẩu đi Nhật tiêu chuẩn rất cao... Để đáp ứng tiêu chuẩn thì chúng tôi đầu tư máy móc đúng tiêu chuẩn và được huyện Lang Chánh giao 6 nghìn ha rừng đạt chứng chỉ để sản xuất".

Bên cạnh đó chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm giai đoạn 2021-2030 đang giúp các doanh nghiệp tại Thanh Hóa cải thiện năng suất và nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang đầu tư vào công nghệ hiện đại và hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc cần làm hiện nay là tiếp tục xây dựng kế hoạch tổng thể dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các doanh nghiệp cần áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, nhất là các công cụ hỗ trợ sản xuất thông minh để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang