Doanh nghiệp trước thách thức tái cấu trúc để tồn tại

author 14:07 17/11/2021

(VietQ.vn) - Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid - 19, doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc, thay đổi chiến lược kinh doanh để tồn tại, trên cơ sở đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ.

Tái cấu trúc để tồn tại

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể lên tới 200.000 – 300.000 tỷ đồng, dẫn đến việc thiếu hụt, mất cân đối về dòng tiền. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Theo đó, nên cho doanh nghiệp vay tạm ứng trước hoặc giãn thời gian đối với các khoản nợ tới hạn, khi doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại sẽ hoàn trả. Đồng thời cho rằng, việc giãn nợ có thể gây ra một số mất mát, nhưng thiệt hại đó chắc chắn sẽ nhẹ hơn so với việc doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Ông Phạm Đình Đoàn cũng nêu quan điểm, khi nguồn hỗ trợ của nhà nước vẫn còn hạn chế, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tái cấu trúc, xem xét lại hiệu quả từng lĩnh vực.

“Bệnh dịch chắc chắn còn kéo dài, trong lúc này cho doanh nghiệp nợ, bởi vì người ta rất cần dòng tiền. Đồng thời, các doanh nghiệp phải kịp thời đàm phán với các tổ chức tín dụng, nhà cung cấp, ngân hàng và khách hàng để giữ được cân bằng. Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại, duy trì, đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, đồng thời, mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả”, ông Toàn nói.

 Thương mại điện tử, quản trị online... là một trong những cách giúp doanh nghiệp tái cấu trúc kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Tập đoàn edX cho rằng, năm 2020, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh, nhưng thời gian vừa qua, dịch bệnh kéo dài và cũng không biết sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa, đây là vấn đề doanh nghiệp rất bất an. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp xác định, muốn tồn tại thì buộc phải có giải pháp thay đổi một cách đồng bộ trên mọi mặt trận, như tái cấu trúc chiến lược, xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, nhân sự online…

“Chuyển từ truyền thống sang kinh doanh trực tuyến, doanh nghiệp đã đẩy mạnh thực hiện nhân sự online làm việc online, quản lý online, bán hàng online, chuyển dịch lĩnh vực kinh doanh online. Trong quá trình triển khai phải khai thác thật kỹ dựa trên tiềm lực, lợi thế của doanh nghiệp, xem mình đang đứng ở đâu, như thế nào để chuyển dịch cho phù hợp. Đấy là cách tốt nhất đối với doanh nghiệp, chắc chắn chúng ta buộc phải chuyển online, bởi vì dịch bệnh không biết bao giờ có thể dừng lại”, ông Nguyễn Đình Hùng nêu quan điểm.

Chính phủ đồng hành

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt, thời gian qua, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo đó, chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện… cắt giảm các thủ tục hành chính, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid -19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; trước mắt, triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

 Chính phủ luôn đồng hành về chính sách giúp doanh nghiệp tái cấu trúc kinh doanh.

Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể...

Trong đó, ưu tiên cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, mọi chính sách đều phải hướng đến người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.

Các địa phương cũng đồng thời xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế/hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phù hợp với dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; công nhân, người lao động trong doanh nghiệp, doanh nhân được ưu tiên tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nghiên cứu giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, bảo đảm triển khai các giải pháp thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương. Tăng cường đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và đánh giá thực chất kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Tích cực hiến kế cho chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch mở cửa của từng địa phương; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các nội dung liên quan đến phục hồi cho khu vực doanh nghiệp.

 Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang