Tọa đàm trực tuyến: Hành trình đến Giải thưởng Chất lượng Quốc tế của DN Việt Nam

author 11:11 18/06/2019

(VietQ.vn) - Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, Chất lượng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến về hành trình ra biển lớn của doanh nghiệp Việt.

Sự kiện: Chào mừng GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG QUỐC GIA

Trước bối cảnh vấn đề chất lượng đã và đang trở thành yếu tố quan trọng để tạo dựng sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á- Thái Bình Dương được triển khai đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp bước vào giai đoạn hội nhập tích cực với thị trường khu vực và quốc tế.

Các khách mời tham gia trong chương trình Tọa đàm do Chất lượng Việt Nam tổ chức

Các khách mời tham gia trong chương trình Tọa đàm do Chất lượng Việt Nam tổ chức

Giải thưởng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương là giải thưởng danh giá mà các doanh nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều hướng tới và mong muốn đạt được. Để đạt được giải thưởng này các doanh nghiệp phải trải qua sự xét duyệt hết sức khắt khe từ Hội đồng giải thưởng với các chuyên gia hàng đầu khu vực.

Trong hơn 20 năm qua đã có gần 2000 lượt tổ chức doanh nghiệp được tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Trong đó có 240 lượt doanh nghiệp đạt Giải Vàng. Đặc biệt, trong các doanh nghiệp Việt Nam đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã có 46 doanh nghiệp tiêu biểu được tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương.

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của giải thưởng cũng như con đường chinh phục các giải thưởng này của doanh nghiệp Việt Nam, Chất lượng Việt Nam online tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Giải thưởng Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương: Hành trình ra biển lớn của doanh nghiệp Việt".

Tham gia chương trình gồm có:

+ Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, người sáng lập thương hiệu L’amant café.

+ Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó TGĐ Kinh doanh Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh.

+ Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Tổng giám đốc Công ty CP KIZUNA JV.

+ Ông Đoàn Xuân Hải – Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Du lịch Hoàn Mỹ.

Chương trình diễn ra lúc 14h30 ngày 18/6, trực tuyến tại Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn).

MC: Việt Hà dẫn chương trình

Phần I: Vai trò của Giải thưởng Chất lượng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

MC Việt Hà: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) là giải thưởng cao nhất trong hệ thống pháp luật về chất lượng, sản phẩm hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng hằng năm nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Giải thưởng được thiết lập và triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng chất lượng của các quốc gia tiên tiến và thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương góp phần nâng cao năng lực của các DN Việt Nam trong tiến trình tăng cường hội nhập về kinh tế của đất nước với nền kinh tế khu vực và thế giới.

MX: Xin đặt câu hỏi đầu tiên dành cho đại diện Công ty THHH Vĩnh Hiệp. Thưa ông Hiệp, là doanh nghiệp lần đầu tiên tham dự và đạt Giải Vàng- GTCLQG, ông có nhận định như thế nào về vai trò của Giải thưởng này đối với sự phát triển của DN?

Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Giải thưởng khích lệ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi công nghệ, xây dựng chiến lược nâng cao sản phẩm hàng hóa,tạo điểm tựa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên.

Giải thưởng có nhiều tiêu chí quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đi chắc từng bước một từng bước một để hướng tới sự hoàn thiện. Tôi hy vọng rằng những doanh nghiệp khác chưa được trao giải thưởng khi nhìn thấy những doanh nghiệp đã có giải thưởng làm tấm gương thì sẽ thay đổi, từ đó cũng có cơ hội đến với giải thưởng này như chúng tôi.

MC: Xin hỏi đại diện của KIZUNA, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ nhà xưởng, các tiêu chí của GTCLQG đã mang lại những lợi ích gì khi doanh nghiệp áp dụng trong vận hành DN?

Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Tổng giám đốc Công ty CP KIZUNA JV

Lúc đầu khi tiếp cận với 7 tiêu chí của giải thưởng này chúng tôi nhận thấy 7 tiêu chí là thước đo để chúng tôi cố gắng vươn tới. Trong quá trình tham dự giải thưởng, chúng tôi cũng rà soát hệ thông quản trị doanh nghiệp. Và chúng tôi cũng lấy 7 tiêu chí chính là thước đo để đồng hành trong kinh doanh dịch vụ nhà xưởng. Thông qua 7 tiêu chí này, lần đầu đoạt được giải vàng chúng tôi thấy rất là vinh dự. Chúng tôi cũng nhận thấy 7 tiêu chí phù hợp với chiến lược doanh nghiệp của chính chúng tôi nói riêng và của các doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi nói chung.

MC: Giải thưởng Chất lượng là công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý, qua đó để không ngừng tự hoàn thiện để phát triển. Ông nhận định như thế nào về việc này từ thực tiễn của du lịch Hoàn Mỹ, thưa ông Hải?

Ông Đoàn Xuân Hải – Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Du lịch Hoàn MỹKhông như những doanh nghiệp khác có nhà máy, nhà sản xuất, Du lịch Hoàn Mỹ có khách hàng, đối tác, hàng không, khách sạn… các cơ sở luôn kết nối với khách hàng sao cho khách hàng hài lòng nhất, sự kết nối này chọn đối tượng là trung lưu, trung niên và cán bộ công chức. Ngay từ đầu, du lịch Hoàn Mỹ đã nhằm vào đối tượng này, và để phục vụ cho đối tượng này một cách hoàn hảo và hài lòng thì bắt buộc phải có chất lượng.

Đó là lý do Công ty Du lịch Hoàn Mỹ theo đuổi GTCLQG. Trước khi đạt được Giải thưởng Vàng, Du lịch Hoàn Mỹ đã 3 lần đạt được Giải Bạc và đã tham dự chương trình cấp giấy chứng nhận ISO 9001 phiên 2015 nó là ưu tiên số 1, là nền tảng cho sự tổn tại cho của công ty.

MC: Các tiêu chí của Giải thưởng chất lượng như một công cụ tự đánh giá cho doanh nghiệp quan tâm thực sự đến hiệu quả của hệ thống quản lý, định hướng đến sự cải tiến và đổi mới liên tục; nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Là DN thực hiện việc này rất thành công, Nhựa Bình Minh có chia sẻ như thế nào về vấn đề này?

 MC Việt Hà và ông Nguyễn Thanh Hải - Phó TGĐ Kinh doanh Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh trong chương trình Tọa đàm

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó TGĐ Kinh doanh Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh: Thực ra vấn đề về năng suất chất lượng Nhựa Bình Minh đã theo đuổi từ rất lâu. Trong chính sách chất lượng chúng tôi đã xác định chất lượng là yếu tố hàng đầu, dịch vụ phải hài lòng nhu cầu của khách hàng. Từ những năm 2000 chúng tôi đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001.

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu các tiêu chí GTCLQG và theo đuổi nó. Khi soi mình vào các tiêu chí đó chúng tôi thấy nhận thấy vẫn chưa thực sự đạt được, sau đó chúng tôi chọn con đường thực hiện ISO trước, sau đó lần lượt thực hiện các quy trình tiếp theo.

Bên cạnh đó chúng tôi tăng cường quản trị doanh nghiệp. Khi theo đuổi đến mức chúng tôi cảm thấy tự tin, chúng tôi bắt đầu nộp hồ sơ tham gia giải thưởng này. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ phía Chính phủ để hồ sơ được hoàn thiện và đầy đủ nhất.

Sau thành công đó, chúng tôi được tiếp tục giới thiệu tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương. Từ đó chúng tôi xác định đã trở thành thương hiệu quốc gia, vươn ra biển lớn, vươn tầm châu lục…Giải thưởng này giống như “dấu xác nhận” khẳng định con đường chúng tôi chọn là đúng đắn.

Phần 2: Sự tiên phong của các doanh nghiệp đầu tàu

MC: Như các vị khách mời vừa chia sẻ, tham gia GTCLQG là một cơ hội tốt để các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các mô hình quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới đồng thời cũng là cơ hội để lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp tự đánh giá một cách toàn diện hoạt động SXKD của doanh nghiệp theo các tiêu chí GTCLQG. Qua đó, để tổ chức, doanh nghiệp xem xét, cải tiến và tạo động lực thúc đẩy hoạt động chất lượng trong sản xuất kinh doanh.

MC: Thưa ông Hải, yếu tố chất lượng được thể hiện như thế nào tại Nhựa Bình Minh?

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó TGĐ Kinh doanh Công ty Cổ phần Nhựa Bình MinhTừ chính sách về chất lượng như vậy, chúng tôi đặt ra câu hỏi làm thế nào để duy trì doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại Việt Nam. Hàng đầu ở đây không chỉ riêng lĩnh vực nhựa mà còn về thiết bị công nghệ, sử dụng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất.

Tiếp theo phải chuẩn hóa quy trình. Nếu chúng ta chỉ làm đối phó sẽ không thể có con số minh bạch.

Cuối cùng đó là chất lượng con người. Con người phải được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp mới có thể đem đến thành công cho doanh nghiệp.

MC: Thưa ông, KIZUNA được biết đến là một doanh nghiệp tiên phong về giải pháp Nhà xưởng dịch vụ tại Việt Nam, để thành công trong việc này, DN chắc chắn sẽ có những bí quyết để có thể thành công như hiện nay?

Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Tổng giám đốc Công ty CP KIZUNA JV: Kizuna là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nhà xưởng, dịch vụ xây dựng. Có 3 yếu tố cấu thành là nhà xưởng, xây sẵn và có dịch vụ gắn liền. Bí quyết thành công của chúng tôi chính là quá trình hình thành khoảng hơn 36 năm của người sáng lập. Hơn 36 năm đúc kết chúng tôi nhận thấy, để thành công phải rút ngắn được quá trình của người đầu tư. Ví dụ, khi người nước ngoài họ đến đây, họ sẽ bị rào cản về ngôn ngữ. Rào cản về ngôn ngữ và văn hóa chính là một trong những yếu tố rất quan trọng để họ quyết định họ có đầu tư hay không. Vì thế, chúng tôi cũng cần tuyển dụng những người bản địa là người nước ngoài để giúp xóa bỏ được rào cản ngôn ngữ và thu hẹp yếu tố văn hóa. Để làm sao họ hiểu được văn hóa, trình tự thủ tục đầu tư vào Việt Nam. Do đó đây là một trong yếu tố theo tôi rất quan trọng để đạt được sự thành công.

Đồng thời cũng có một đặc điểm mà chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy đó là từ năm 2016 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã thay đổi và cải cách rất nhiều, đã rút ngắn và cải cách được đầu tư, loại bỏ được những rườm rà và theo tôi đã giảm được đến 80% thủ tục hồ sơ cho doanh nghiệp. Khi loại bỏ được các rườm rà thì doanh nghiệp đầu tư nhanh, nhiều hơn và có lợi thế cạnh tranh. Do vậy bí quyết thành công theo tôi là đến từ 2 phía, từ doanh nghiệp đầu tư và từ sự tạo điều kiện, lợi thế quốc gia. Hai lợi thế này kết hợp với nhau đã mang lại cho doanh nghiệp  chúng tôi những lợi thế nhất định để thành công. 

MC: Ông vừa đề cập đến phát triển loại hình Nhà xưởng thông minh, ông có thể nói rõ hơn về lĩnh vực này thưa ông Cường?

Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Tổng giám đốc Công ty CP KIZUNA JVNhà xưởng thông minh thì theo tôi, chữ thông minh ở đây chính là việc ví dụ như khi mình nói con robot nó hiểu được ý mình. Khi mình sai nó rót ly nước thì nó sẽ rót cho mình. Tôi thấy, khái niệm nhà xưởng thông minh này dựa trên tiêu chí thông minh nhân tạo. Nhà xưởng thông minh là khi khách hàng yêu cầu và mình đáp ứng được yêu cầu ấy cho khách hàng. Theo tôi, ở đây tối thiểu mình cũng phải đáp ứng được bằng hoặc vừa cái yêu cầu ấy của khách hàng. Chúng tôi có hai giải pháp dành cho khách hàng, một là: nếu khách hàng muốn tự làm thì chúng tôi sẽ mang đến các đơn vị tư vấn, đánh giá rất tốt nhất để hỗ trợ, giúp đỡ khách hàng làm nhà xưởng thông minh. Hai là: chúng tôi sẽ làm thay khách hàng và nhu cầu của khách hàng được đáp ứng 100%.

Khi làm nhà xưởng thông minh chúng tôi cũng sẽ sử dụng các vật liệu từ những đơn vị cung cấp hàng đầu về giải pháp nhà xưởng. Làm sao để trong quá trình sử dụng, khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng bởi lý do nhà xưởng của chúng tôi cung cấp.

Sản phẩm của chúng tôi phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và khi doanh nghiệp lớn lên chúng tôi vẫn theo họ và có chế độ hậu mãi tốt nhất. Mang đến họ sự hài lòng tối đa và theo tôi đó là dịch vụ nhà xưởng thông minh.

MC: Được biết, Vĩnh Hiệp hiện là đối tác của các Tập đoàn rang xay hàng đầu thế giới và trở thành 1 trong 10  DN xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. Vậy yếu tố nào đã tác động để  DN có được những kết quả rất tốt như vậy?

 Ông Thái Như Hiệp

Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Cho đến ngày hôm nay, Vĩnh Hiệp đã trở thành đối tác của rất nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước và thế giới (trong đó có Nestle). Và để có thể làm tốt vai trò là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp nước ngoài, Vĩnh Hiệp đã phải trải qua rất nhiều những bước thay đổi, đột phá.

Trong 25 năm qua, Vĩnh Hiệp luôn luôn đặt những tiêu chí như sự tử tế, chất lượng và uy tín lên hàng đầu. Để tăng thêm uy tín, sự lớn mạnh của doanh nghiệp, Vĩnh Hiệp đã thay đổi sản xuất, đầu tư thay đổi công nghệ, đầu tư cho nông nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của người nông dân để cho ra sản phẩm cà phê chất lượng.

Vĩnh Hiệp cũng là doanh nghiệp tiên phong trong việc thay đổi xu hướng đi từ vô cơ chuyển sang hữu cơ, sản phẩm hữu cơ của chúng tôi được nhiều nước ngưỡng mộ. Và trước khi được vinh danh tại GTCLQG, sản phẩm, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã phải trải qua những bước sát hạch rất chặt chẽ và đáp ứng nhiều tiêu chuẩn từ Nhật, Châu Âu, Hàn Quốc.

Để được ngưỡng mộ như vậy, Vĩnh Hiệp trong quá trình sản xuất luôn kiểm soát tốt nhất chất lượng sản phẩm từ các quy trình sản xuất, tưới nước, chăm bón, thu hoạch đều theo công nghệ hiện đại, chú trọng cải tiến về năng suất, chất lượng. Sản phẩm của Vĩnh Hiệp cũng nhờ vậy mà đã có mặt tại sự kiện của APEC, được đại diện nhiều nước đã dùng qua và cho đánh giá tốt, trong đó có cả chính khách nổi tiếng là ông Donald Trump

Chúng tôi cũng mong muốn ngành cà phê có nhiều thay đổi tích cực nhất là việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Chúng ta xuất khẩu thô cà phê chiếm 90% trong khi xuất khẩu tinh chỉ có 5%. Đây là điều đáng lo và cần thay đổi, cần chiến lược lâu dài như Vĩnh Hiệp đang thực hiện.

MC: Thế mạnh của Du lịch Hoàn Mỹ là gì? Hoạt động ở khối dịch vụ thì việc nâng cao chất lượng được DN quan tâm như thế nào trước áp lực cạnh tranh rất lớn từ rất nhiều công ty lữ hành khác?

Ông Đoàn Xuân Hải – Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Du lịch Hoàn MỹDu lịch Hoàn Mỹ với thế mạnh là chuyên tour Mỹ, nhu cầu đi Mỹ của người Việt Nam theo thống kê 2018 tăng 100 % so với 2017 với tỷ lệ đậu visa cao nhất Việt Nam, tuân thủ đầu vào một cách nghiêm ngặt.

Ví dụ như khâu làm hồ sơ, nếu như hồ sơ khách hàng đi Mỹ không đủ điều kiện đậu visa, phía du lịch Hoàn Mỹ sẽ từ chối ngay từ đầu và không làm, khác với nơi khác sẽ chiếm lợi nhuận trên phí visa. Đó chính là sự tạo uy tín đối với khách hàng.

Bên cạnh đó, Du lịch Hoàn Mỹ còn kiểm soát chất lượng và kiểm soát tai nạn nghề nghiệp, phòng ngừa rủi ro.

Về chăm sóc khách hàng, Du lịch Hoàn Mỹ thực hiện theo quy trình chăm sóc khách hàng từng bữa ăn, bước đi, giấc ngủ …. Đó cũng là nhu cầu rất lớn của khách hàng.

 Ông Đoàn Xuân Hải – Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Du lịch Hoàn Mỹ

Đối với việc cạnh tranh với công ty nước ngoài, thế mạnh của nước ngoài là đưa khách Âu Mỹ vào Việt Nam, hiện nay trên thị trường có rất nhiều công ty nổi tiếng và độ cạnh tranh khá cao. Trong khi đó, Du lịch Hoàn Mỹ là một doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ với gần 200 nhân viên, thế nhưng với thế mạnh sự uy tín và chất lượng, Hoàn Mỹ chắc chắn sẽ vươn lên.

Phần 3: Hướng tới hội nhập và xuất khẩu

MC: Thực tiễn triển khai Giải thưởng cho thấy, những doanh nghiệp đạt Giải thưởng là những doanh nghiệp điển hình về áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, đạt kết quả sản xuất, kinh doanh nổi bật, đi đầu tham gia trong phong trào năng suất - chất lượng tại địa phương và trong cả nước, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Giải thưởng thực sự đã tạo đà cho các doanh nghiệp bước vào giai đoạn hội nhập tích cực với thị trường khu vực và quốc tế.

Các DN đạt GTCLQG đều hướng đến Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á- TBD với mong muốn được khẳng định năng lực, thế mạnh và cả niềm tự hào Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

MC: Rõ ràng các DN Việt Nam đều xác định trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ như hiện nay thì  hành trình ra biển lớn của các DN cũng không hề đơn giản với rất nhiều rào cản và thách thức, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Doanh nghiệp Việt Nam có thuận lợi là có sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ trong nhiều chính sách. Cái thứ hai là chúng ta cũng hưởng lợi từ các chính sách nước ngoài, ví dụ như ngành cà phê chúng tôi cũng được hưởng lợi từ hiệp định CPTPP. Bên cạnh đó còn là thuận lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tiếp đó phải là bản lĩnh, kinh nghiệm của doanh nghiệp, ví dụ như bản thân Vĩnh Hiệp cũng đã có 25 năm nay phát triển, bước ra thế giới, tích lũy cho mình những kinh nghiệm, lợi thế cơ bản.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp chúng tôi nói riêng thì vẫn còn một số khó khăn như là năng suất lao động thấp, điều kiện vùng nguyên liệu còn khó khăn (khí hậu, địa hình khắc nghiệt), bộ máy sản xuất chưa theo kịp xu thế. Từ đó làm doanh nghiệp mất đi tính cạnh tranh khi đi ra thị trường thế giới.

Đối với doanh nghiệp chúng tôi thời gian qua cũng được phía tỉnh, địa phương hỗ trợ trong việc kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài cùng vào đầu tư, giúp đỡ. Tôi mong rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp cũng nhận được những sự giúp đỡ này từ phía cơ quan Nhà nước.

MC: Là người sáng lập ra thương hiệu L’amant Café, yếu tố nào làm nên sự khác biệt để có thể cạnh tranh với các thương hiệu cùng loại?

Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Việt Nam tuy là nước có ngành cà phê phát triển, số lượng xuất khẩu lớn nhưng người Việt Nam lại chưa có văn hóa thưởng thức cà phê cao, nhận thức về văn hóa cà phê còn chưa đầy đủ.

Theo tôi, mối thương hiệu cà phê hiện nay như Nestle, Trung Nguyên thì đều có phân khúc khách hàng riêng, mỗi doanh nghiệp này đều có một công thức cà phê khác nhau để níu giữ người tiêu dùng ở từng phân khúc khác biệt.

Tại Việt Nam, thương hiệu L’amant Café của chúng tôi được xây dựng hoàn toàn khác biệt với các thương hiệu cà phê đã có. Chúng tôi cũng hướng tới việc xây dựng một văn hóa thưởng thức cà phê mới của người Việt. Thay vì chỉ uống theo nhu cầu, giải khuây, trò chuyện, người uống cà phê còn có thể cảm nhận được sự tinh túy từ từng hạt cà phê được gieo, được thu hoạch bởi những người nông dân

Và để thương hiệu L’amant Café được phát triển có tiếng vang như ngày hôm nay chúng tôi đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thay đổi xu hướng tiêu dùng, tập trung mạnh vào sản xuất hữu cơ. 

MC: Ở đây có ông Nguyễn Thanh Hải – đại diện cho Nhựa Bình Minh, DN ngay lần đầu tiên tham dự GTCLQG và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á TBD đạt giải cao nhất. Xin ông chia sẻ về con đường chinh phục các giải thưởng danh giá này?

Nhựa Bình minh đã chuẩn bị cho đánh giá các tiêu chí của giải thưởng này trong thời gian rất lâu. Chúng tôi thường xuyên dùng bảng 7 tiêu chí với 200 câu hỏi để xem xem chúng tôi đã đạt được và làm được những gì. Từ đó chúng tôi dần dần cải tiến.

Đối với giải thưởng quốc gia bao giờ cũng có vòng sơ tuyển của thành phố và đánh giá rất gắt gao. Đó cũng là cơ hội để công ty hoàn thiện tiếp quy trình đẻ mình chứng minh cho việc phù hợp tiêu chí của mình. Sau đó có 1 buổi đánh giá của Hội đồng quốc gia cũng là gắt. Tuy nhiên, khi xét với giải thưởng châu Á - Thái Bình Dương người ta chỉ xem trên bằng chứng, nghĩa là hồ sơ công ty gửi, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đọc và xem thật kĩ, trả lời ngắn gọn và đẩy đủ nhất, đúng trọng tâm, các bằng chứng đưa ra phải thuyết phục và thực tế.

Theo tôi, chúng ta không nên lo lắng quá mức làm sao cho bộ hồ sơ thật đẹp mà quan trọng hãy đặt ra câu hỏi chúng ta phải làm gì để thành công. Điều đó mới đem lại chất lượng. Nhựa Bình minh quyết không hi sinh chất lượng để lấy lợi nhuận. 

Được nhận định là doanh nghiệp lữ hành hàng đầu tại Việt Nam, du lịch Hoàn Mỹ đã có sự chuẩn bị gì cho những bước đường sắp tới?

Ông Đoàn Xuân Hải – Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Du lịch Hoàn Mỹ:  Du lịch Hoàn Mỹ rất hãnh diện là hãng lữ hành đầu tiên của Việt Nam đạt Giải Vàng. “Đó là niềm vinh dự rất lớn đối với cán bộ, công nhân viên của Hoàn Mỹ, chúng tôi sẽ không ngủ quên trên chiến thắng”. 

Với mục tiêu giữ vững chất lượng Giải Vàng, nếu đủ điều kiện du lịch Hoàn Mỹ sẽ từng bước đăng ký tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á- Thái Bình Dương, đây là điều sống còn đối với công ty, trong một cuộc cạnh tranh quyết liệt, khuynh hướng của chúng ta là đẩy mạnh du lịch thành thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam giống như các nước khác đang làm, và muốn có chỗ đứng trên thị trường phải khẳng định vị thế bằng cách duy trì chất lượng, thông qua tính kiên nhẫn của toàn bộ cán bộ, công nhân viên phải gò mình vào trong một quy trình.

Du lịch Hoàn Mỹ đã huấn luyện cán bộ, công nhân viên áp dụng theo quy trình khắt khe, để nâng bước tầm của mình lên, và từng bước chen vài cùng các doanh nghiệp lớn.

MC: Thực tế hơn 20 năm triển khai GTCLQG, trong gần 2000 DN đạt giải mới chỉ có 46 DN Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương, điều đó cho thấy việc DN Việt Nam đạt chuẩn quốc tế là điều không dễ. Điều đó có đúng không và sự thiếu hụt của các DN Việt hiện nay là gì, thưa ông Hải?

Theo tôi nghĩ là đúng bởi ngày trước, nền kinh tế của chúng ta mới mở cửa, tốc độ đi rất chậm. Chúng ta tiếp cận các mô hình quản lí tiên tiến chưa được nhanh. Đến những năm gần đây, khi mà thế giới phẳng, chúng ta cởi mở hơn trong quá trình phát triển nền kinh tế, thị trường chứng khoán mở rộng, rất nhiều “làn sóng” đầu tư, nguồn vốn ưu đãi, công nghệ quản lý được đầu tư.

Về công nghệ quản lý khoảng 10 năm trước đây sẽ rất khó tìm được doanh nghiệp nào ứng dụng hệ thống quản trị thông tin. Nhưng tin mừng là gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công công nghệ này của nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới…

Khi áp dụng như vậy, buộc quy trình của chúng ta phải thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh phải minh bạch.

Tuy nhiên tôi đánh giá điều quan trọng hơn đối với giải thưởng này chính là ở nội dung truyền thông quảng bá. Làm thế nào để chúng ta tạo được GTCLQG như một phong trào để các doanh nghiệp kể cả vừa và nhỏ lẫn các doanh nghiệp lớn (doanh nghiệp hạng vừa đấu với hạng vừa, hạng trung đấu với hạng trung, hạng nặng đấu với hạng nặng) giống như giải thi đua để ai cũng có thế khẳng định mình và giá trị thương hiệu sẽ được lan tỏa. 

MC: Khi hàng loạt các Hiệp định FTA được ký kết, Việt Nam ngày càng mở cửa rộng hơn, các cơ hội đi kèm thách thức của các DN Việt Nam cũng vì thế mà ngày càng tăng lên. Các doanh nghiệp sẽ phải làm gì để có cạnh tranh và khẳng định vị thế của mình, các khách mời có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Hải -Công ty CP Nhựa Bình Minh: Công ty luôn mong muốn khẳng định và duy trì là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, từng bước hội nhập với thị trường thế giới.

Hiện tại, Công ty đã có những rà soát về chiến lược, trong đó xây dựng chiến lược 5 năm và sẽ đánh giá từng năm , ví dụ như 2019-2024 công ty sẽ xem xét hết năm 2019, sau đó tiếp tục xem xét năm 2020-2025. Từ những chiến lược đó, công ty sẽ phân bổ thành mục tiêu cho từng bộ phận của Công ty của mình. Đó là cách Công ty kiểm soát được mục tiêu chiến lược của mình.

Ngày trước khi nguồn nhân lực giá rẻ, và một cái máy có thể 3, 4 người đứng tuy nhiên ngày nay vì nguồn nhân lực không còn rẻ chính vì vậy sẽ phải nghĩ đến chuyện tự động hóa,  chính vì vậy Công ty sẽ phải tập trung vào hoạt động tự động hóa.

Đó chính là nền tảng để công ty bước vào công nghệ hiện đại 4.0, từng bước đi vào con đường tự động hóa hoàn toàn đối với một nhà máy và cũng chính là thứ công ty mong muốn để nâng cao sức cạnh tranh của mình trong quá trình hội nhập.

Bên cạnh đó, Công ty Nhựa Bình Minh mong muốn là doanh nghiệp số 1 Việt Nam, và đứng trong top 5 khu vực Đông Nam Á. Hướng đến là 1 trong 50 doanh nghiệp có môi trường tốt nhất tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Tổng giám đốc Công ty CP KIZUNA JV: Với hàng loạt các Hiệp định FTA được ký kết, chúng tôi nghĩ đây là một lợi thế để không chỉ giúp chúng tôi vươn ra biển lớn mà còn khẳng định uy tín, vị thế của mình trên trường quốc tế. Và với giải thưởng CLQG năm nay chúng tôi đoạt được thì chúng tôi coi đây chính là thước đo, thúc đẩy doanh nghiệp mình sẽ tốt hơn và hoàn thiện hơn nữa.

MC Việt Hà: Chương trình Tọa đàm trực tuyến kết thúc lúc 17h. Xin cảm ơn quý độc giả đã quan tâm theo dõi!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang