Đông Nam Á 'bùng nổ' mua sắm trực tuyến từ đầu dịch Covid-19

author 06:47 23/09/2021

(VietQ.vn) - CNBC dẫn báo cáo từ Facebook và Bain & Company cho biết, ước tính có thêm 70 triệu người mua sắm trực tuyến ở 6 nước Đông Nam Á kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Khi chính phủ các nước khuyến khích mọi người ở nhà để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, Đông Nam Á đã chứng kiến việc áp dụng nhanh chóng các dịch vụ kỹ thuật số như thương mại điện tử, giao đồ ăn thông qua ứng dụng và các phương thức thanh toán trực tuyến. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Báo cáo đã khảo sát hơn 16.000 người ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, dự đoán số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á sẽ đạt 350 triệu người vào cuối năm nay. Trong số các nước được khảo sát, Indonesia tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Lượng người tiêu dùng kỹ thuật số của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng khoảng 15%, từ 144 triệu người vào năm 2020 lên 165 triệu người vào năm 2021.

 

Thương mại điện tử bùng nổ

Tình trạng khóa cửa liên tục và hạn chế di chuyển khiến người tiêu dùng khó đến các cửa hàng truyền thống, do đó nhiều thị trường thương mại điện tử đã phát triển mạnh. Theo kết quả một khảo sát được thực hiện hồi tháng 5.2021, tỷ lệ người mua sắm “chủ yếu trực tuyến” đã tăng từ 33% vào năm 2020 lên 45% trong năm nay, trong đó mức tăng lớn nhất đến từ Singapore, Malaysia và Philippines.
 
Facebook và Bain dự đoán chi tiêu trực tuyến trung bình sẽ tăng 60% trong năm nay, từ 238 USD/người vào năm 2020 lên 381 USD/người. Báo cáo cũng cho biết, thị phần bán lẻ trực tuyến trong tổng thể bán lẻ tăng ở Đông Nam Á, từ 5% vào năm 2020 lên 9%, tốc độ tăng này nhanh hơn so với Brazil, Trung Quốc hoặc Ấn Độ. “Trong 5 năm tới, doanh số thương mại điện tử của Đông Nam Á được dự đoán sẽ bắt kịp với các nước này, tăng trưởng ở mức 14% mỗi năm”, trích báo cáo.
 
 

Đầu tư công nghệ tài chính đạt tầm cao mới

Trước xu hướng nhiều giao dịch được thực hiện trực tuyến, các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) như “mua ngay, thanh toán sau”, ví kỹ thuật số và tiền điện tử cũng trở nên phổ biến hơn. Trong ba tháng đầu năm nay, 88% vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm của khu vực chảy vào lĩnh vực công nghệ và internet, trong đó 56% dành cho công nghệ tài chính.

“Chúng tôi đang xem xét một đợt bùng nổ lớn gấp ba lần trong lĩnh vực fintech. Không chỉ là việc các cơ quan quản lý dỡ bỏ rào cản quy định, mà chúng ta còn được thấy dòng đầu tư lớn không có xung đột nào”, Dmitry Levit của hãng đầu tư Cento Ventures nói.

Theo báo cáo, ví kỹ thuật số là lựa chọn thanh toán ưa thích của 37% người được khảo sát, nhiều hơn so với 28% tiền mặt, 19% đối với thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ và 15% chuyển khoản ngân hàng. Philippines, Malaysia và Việt Nam chứng kiến mức tăng lớn nhất trong việc áp dụng ví kỹ thuật số, với mức tăng trưởng lần lượt là 133%, 87% và 82%.

Xu hướng số hóa nhanh chóng của Đông Nam Á cho thấy cơ hội to lớn trong nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực. “Đông Nam Á sẽ là thị trường tăng trưởng trong ít nhất 10 năm tới”, Justin Hall, đối tác của Golden Gate Ventures nói.

Lợi ích của mua sắm qua mạng trong đại dịch

Sự gia tăng các giao dịch qua thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh, cụ thể:

Đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của bản thân và gia đình, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn: Trong bối cảnh giãn cách, phong tỏa, gần như “đóng băng” mọi hoạt động thì nhu cầu của người tiêu dùng vẫn hiện hữu, đặc biệt là những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Mua sắm qua mạng giúp người tiêu dùng đáp ứng được những nhu cầu này mà vẫn đảm bảo yếu tố an toàn do không phải di chuyển đến nhiều địa điểm mua sắm.

Tiện lợi, nhanh chóng: Người tiêu dùng không phải xếp hàng chờ đợi như mua sắm truyền thống. Người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, lên mạng chọn mua và chờ vận chuyển hàng đến nhà.

Tạm thời xoa dịu tâm trạng trong bối cảnh nguy hiểm của đại dịch: Khi việc giãn cách/phong tỏa diễn ra trong thời gian dài, người tiêu dùng dễ rơi vào trạng thái tiêu cực như buồn chán, cô đơn, có xu hướng dễ cáu giận, bực bội… mua sắm qua mạng là một trong những phương thức giải tỏa tạm thời những cảm xúc này;

Tạo cảm giác “kết nối”: Khi phải thực hiện giãn cách/phong tỏa trong thời gian dài dẫn tới việc không được tiếp xúc với người khác, mua sắm qua mạng giúp tạo cảm giác “kết nối” tới xã hội thông qua các thông báo đặt hàng, thanh toán, vận chuyển được gửi qua tin nhắn/email của người tiêu dùng;

Có thể thấy, bên cạnh lợi ích về việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, mua sắm qua mạng trong đại dịch còn có nhiều lợi ích về mặt tâm lý cho người tiêu dùng. Một số người tiêu dùng còn cho rằng, mua sắm qua mạng khi phải giãn cách quá lâu giống như cảm giác chờ đợi, hy vọng những món quà.

 
Những rủi ro khi mua sắm quá nhiều trong đại dịch

Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi, sự gia tăng mua hàng qua mạng trong thời kỳ dịch bệnh cũng có nguy cơ mang lại những tác động tiêu cực cho người tiêu dùng, cụ thể như sau:

Mua sắm qua mạng quá dễ và nhanh làm người tiêu dùng dễ dàng chi tiêu quá mức thu nhập của bản thân, gia đình: Với sự phát triển của thương mại điện tử và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất, dễ dàng và nhanh chóng nhất khi mua sắm qua mạng. Chỉ với một vài click chuột, người tiêu dùng đã có thể mua rất nhiều mặt hàng. Điều này cũng làm xuất hiện và gia tăng tình trạng chi tiêu quá nhiều, thậm chí quá mức thu nhập của bản thân và gia đình.

Có xu hướng mua những thứ không cần thiết do quá buồn chán: do có quá nhiều thời gian rảnh, người tiêu dùng dễ có xu hướng mua sắm những thứ để thỏa mãn sở thích nhất thời như: đặt mua quá nhiều đồ ăn khi đang đói, đặt mua nhiều trang phục, thiết bị cho những chuyến đi xa sau khi kết thúc giãn cách/phong tỏa, đặt mua quá nhiều dụng cụ làm bếp có thể không thực sự hữu ích...

Ảnh hưởng xấu đến môi trường: Khi thương mại điện tử mới phát triển, đây được coi là hình thức giúp bảo vệ môi trường vì khắc phục được những nhược điểm của mua sắm truyền thống như người tiêu dùng không cần di chuyển mà vẫn nhận được hàng và đổi – trả hàng. Tuy nhiên, khi mua sắm qua mạng quá nhiều, cùng với những hình thức vận chuyển nhanh (vận chuyển hỏa tốc, vận chuyển 2 tiếng, vận chuyển 2 ngày) thì hình thức này đã gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Bên cạnh đó, việc các nhà bán hàng gói hàng quá kỹ nhằm tăng tính chuyên nghiệp và làm hài lòng khách hàng cũng gây lãng phí và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống;

Người tiêu dùng đối mặt nhiều hơn với những vi phạm quyền lợi khi mua hàng qua mạng như: hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng không áp dụng đồng kiểm, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, bảo mật thông tin cá nhân…

Trên thực tế, thói quen của người mua sắm sẽ là sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số. Điều quan trọng đối với các trang thương mại điện tử là phải làm cho việc chuyển đổi giữa các kênh mua bán trở nên dễ dàng nhất có thể đối với người tiêu dùng để sau đại dịch họ vẫn có thể thích ứng với những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Ngọc Mai (t/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang