Dùng chứng minh nhân dân giả để lừa đảo bị xử phạt như thế nào?

author 19:08 23/03/2017

(VietQ.vn) - Hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả lừa đảo có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Sự kiện: Tư vấn pháp luật vietq

Độc giả Trần Quân (Ba Đình, Hà Nội): Vừa qua, em trai tôi bị một đối tượng sử dụng chứng minh thư bị mất của em trai tôi đi lừa đảo với số tiền hàng chục triệu đồng. Gia đình tôi đã bắt được đối tượng này và trình báo công an. Vậy đối tượng này sẽ bị xử phạt thế nào?

Dùng chứng minh nhân dân giả để lừa đảo phạm tội gì, bị xử phạt như thế nào?

Hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Ảnh minh họa 

Trả lời:

Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009;

- Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;

- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả lừa đảo có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự

- Xử lý vi phạm hành chính:

Khoản 3 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân, theo đó, Hành vi làm giả chứng minh nhân dân và sử dụng chứng minh nhân dân giả sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Giải tỏa nhà tập thể trên đất thuê của nhà nước, người thuê có được đền bù hay không?(VietQ.vn) - Nếu nhà tập thể do Nhà nước quản lý thì khi giải tỏa thì người thuê sẽ không được bồi thường về quyền sử dụng đất.

- Xử lý hình sự:

Điều 266 BLHS 1999, sđbs 2009 quy định về Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức.

“1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Như vậy, tuy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra trên thực tế mà hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả để lừa đảo sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý tương ứng.

Luật sư Trịnh Anh Dũng

Văn phòng luật sư Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang