Giá cà phê lại rớt thảm vì Nga trả đũa Mỹ và EU

author 06:50 10/08/2014

(VietQ.vn) - Giá cà phê nội địa vừa nhích lên một chút trong những ngày đầu tháng 8 thì đã gặp ngay thảm cảnh "trâu bò đánh nhau" khi Nga trả đũa các đòn trừng phạt của Mỹ và EU.

Giá cà phê nội địa lao dốc không phanh

Đầu tháng 8 này, giá cà phê nội địa đã bất ngờ tăng trở lại trong 5 phiên giao dịch liên tiếp với mức tăng rất mạnh, khoảng1,2 triệu đồng/tấn. Cao điểm của đợt tăng giá, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đạt tới 41,6 triệu đồng/tấn.

Nhưng chưa vui mừng được bao lâu, người dân trồng cà phê đã phải đối mặt với thảm cảnh giá rớt ‘không biết xuống tới đâu’ khi ngày 6/8, ông Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh cấm nhập khẩu trong vòng 1 năm các sản phẩm nông nghiệp từ những nước áp lệnh trừng phạt Nga, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Đây được coi là một trong số những hành động trả đũa của Nga sau các lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu áp dụng lên nước này trước tình trạng khủng hoảng tại Ukraine và vụ bắn rơi máy bay MH17 vừa qua.

Nga trả đũa Mỹ và EU, nhưng cuối cùng người chịu thiệt hại vẫn là nông dân và những người nắm giữ nông sản

Nga trả đũa Mỹ và EU, nhưng cuối cùng người chịu thiệt hại vẫn là nông dân và những người nắm giữ nông sản. Ảnh minh họa

Vốn là mặt hàng hết sức nhạy cảm với tình hình kinh tế vĩ mô và các vấn đề chính trị vì được giao dịch trên thị trường tài chính, cà phê “dính đòn” ngay lập tức và rớt giá tơi tả trên cả thị trường thế giới và thị trường trong nước.

Tính tới ngày 9/8, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã có phiên giảm thứ 5 khi giảm 400.000 đồng /tấn xuống 37,3-38,4 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê nội địa thì rớt trong khi vật giá lại không ngừng leo thang

Nhiều người dân thậm chí cũng không hiểu vì sao giá cà phê lại giảm trong thời điểm cuối vụ, khan hiếm nguồn cung như thế này. Anh Lê Tư, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên mua bán cà phê tại tỉnh Lâm Đồng cho biết “Chỉ trong vài ngày, ở giai đoạn cuối vụ, giá cà phê nội địa rớt nhanh như thế này là hiện tượng hiếm có,”

Nhưng trong khi giá cà phê tuột dốc không phanh thì giá cả các loại vật tư nông nghiệp, cước vận chuyển, chi phí sản xuất…lại đua nhau leo thang.

Chi phí nhân công, chi phí vận chuyển, vật tư nông nghiệp...đều tăng, chỉ có giá cà phê là giảm

Chi phí nhân công, chi phí vận chuyển, vật tư nông nghiệp...đều tăng, chỉ có giá cà phê là giảm. Ảnh minh họa

Chị Tánh, một nông dân ở huyện Di Linh, Lâm Đồng than thở: “Chẳng bằng giá cà phê xuống thì các thứ khác cùng xuống cho”. Giá xăng dầu và các thứ phải mua để sản xuất đều tăng. Chị nhớ từ đầu năm 2012 đến tháng trước, giá xăng từ 21.300 đồng/lít lên 25.640 đồng/lít, tăng gần 4.500 đồng/lít hay tương đương 21%. Giá nhân công, phân bón cũng tăng.

Đặc biệt, chương trình siết chặt tải trọng xe ô tô đã làm giá chuyên chở cà phê từ vùng sản xuất trên các tỉnh Tây Nguyên về các kho cảng tăng gấp ba so với trước. Thế mà vẫn chưa hết “vận hạn”. Nông dân còn phải cõng thêm giá cước tàu và các loại phí làm hàng xuất khẩu đang tăng hàng ngày. Nếu như năm 2008, cước tàu chở cà phê từ cảng TPHCM đi châu Âu chỉ 400-500 đô la/container, đến quí 1-2014 đã lên 950-1.000 đô la/tấn, thì nay nâng lên 1.250 đô la/tấn hay hơn thế nữa.

Mịt mờ tương lai của cà phê

Thời gian qua, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy thế giới sẽ không rơi vào tinh trạng thiếu hụt nguồn cung như những dự đoán trước đó. Cụ thể, theo số liệu mới nhất về xuất khẩu cà phê của Brazil, tổng xuất khẩu cà phê của họ trong tháng 7 đạt 2.979.811 bao, tăng 753.161 (33,82%) so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng thêm việc thời tiết khô và ôn hòa tại các vùng trồng cà phê Arabic ở miền nam và trung Brazil cũng đang tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh thu hoạch cuối vụ.

Giá cà phê nội địa không rõ sẽ đi tới đâu

Giá cà phê nội địa không rõ sẽ đi tới đâu. Ảnh minh họa

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí hậu tại Mỹ đã hạ dự báo về khả năng hiện tượng El Nino diễn ra tại Thái Bình Dương trong quý IV năm nay xuống 65% từ 80% trước kia. Như vậy có thể dự đoán những thiệt hại do El Nino sẽ bớt nghiêm trọng hơn cho các nước trồng cà phê bên vành Thái Bình Dương.

Như vậy, khả năng dư thừa nguồn cung sẽ có nhiều cơ hội xảy ra hơn trong năm cà phê tiếp theo (bắt đầu từ 1/10), dự báo một tương lai không mấy sáng sủa của giá cà phê nội địa tại Việt Nam.

Phan Huyền (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang