Gia công hàng trăm nghìn sản phẩm thời trang giả mạo gắn mác thương hiệu nổi tiếng

author 10:43 04/11/2020

(VietQ.vn) - Qua thời gian xác minh, mới đây Đội QLTT TP Hà Nội đã ập vào một cơ sở chuyên sản xuất, gia công quần áo tại Ninh Hiệp- Gia Lâm và phát hiện lượng lớn quần áo giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Đội QLTT số 1 vừa phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 – Tổng cục QLTT tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang – Khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Qua quá trình kiểm tra và xác minh, lực lượng chức năng xác định, cơ sở trên do ông Nguyễn Anh Quyết làm chủ. Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nguyễn Anh Quyết xuất trình đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính Kế hoạch – UBND huyện Gia Lâm cấp ngày 24/9/2020.

 Lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện cơ sở chuyên sản xuất, gia công hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Ảnh: Quyên Lưu

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện quả tang cơ sở đang sử dụng máy may, máy vắt sổ để may sản xuất quần áo có gắn các dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu adidas, chanel, burberry, gucci…(thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức tại châu Âu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam).

Ông Nguyễn Anh Quyết – chủ cơ sở thừa nhận việc may sản xuất quần áo có dấu hiệu giả mạo trên không được sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu trên và do các đối tượng kinh doanh quần áo tại khu vực Ninh Hiệp đặt may sản xuất.

Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ 124.101 chiếc quần áo, thành phẩm, bán thành phẩm, tem nhãn vật mang nhãn hiệu adidas, chanel, burberry, gucci… 35 kg vải và các máy may, máy vắt sổ đang dùng để may hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên.

Toàn bộ số hàng đã được niêm phong, tạm giữ; tiếp theo Đội QLTT số 1 tiếp tục mở rộng đấu tranh, làm rõ số lượng hàng giả và hành vi kinh doanh vi phạm của cơ sở trên cũng như xác minh, làm rõ nguồn gốc của vật tư, nhãn mác và số hàng hóa đã tiêu thụ…để đảm bảo xử lý triệt để, nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật.

Bắc Giang xử lý hơn 100 vụ vi phạm về hàng hóa (VietQ.vn) - Theo lực lượng QLTT tỉnh Bắc Giang, chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về hàng hóa.

Liên quan tới nhãn hàng hóa, trước đó, ngày 14/4/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa mới. Nghị định quy định về nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Một số điểm mới và nội dung đáng chú ý của Nghị định:

Bổ sung một số hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định: hàng hóa bị tịch thu bán đấu giá; thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu xây dựng, phế liệu không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; xăng dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, xi măng rời không có bao bì thương phẩm đựng trong container, xi tec; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa; hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; hàng hóa là chất phóng xạ, hàng hóa sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh; phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy, đường không.

Nhãn hàng hóa, nhãn phụ phải đảm bảo đúng bản chất của hàng hóa, trung thực, rõ ràng và chính xác. Với những hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì người chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn phải là các tổ chức, cá nhân sản xuất. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đó yêu cầu một tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm về hàng hóa của mình. Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì trên nhãn phụ phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định các trường hợp không phải ghi nhãn phụ, cụ thể: Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

Trong trường hợp nhãn gốc của những hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam không phù hợp với quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu vẫn phải giữ nguyên nhãn gốc và ghi thêm nhãn phụ theo quy định khi đưa hàng hóa ra lưu thông. Nhãn phụ cũng được sử dụng khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt trên nhãn.

Về kích thước thể hiện và nội dung thể hiện của nhãn hàng hóa: kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa phải đảm bảo đủ để đọc bằng mắt thường.

Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa (chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa). Những nội dung theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Nghị định cũng đã bổ sung nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa của một số nhóm hàng hóa thuộc dụng cụ phục vụ sinh hoạt (đồng hồ, mắt kính, khăn ướt, giấy vệ sinh…); dụng cụ làm đẹp, xe đạp điện, xe máy điện, xe đạp máy; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017 và sẽ thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang