Ngang nhiên 'thổi phồng' chất lượng sản phẩm Juicy Slim, lừa dối người tiêu dùng

author 09:07 03/11/2020

(VietQ.vn) - Mặc dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng Juicy Slim (do Công ty TNHH Pavilis Việt Nam phân phối, chịu trách nhiệm công bố) lại được nhiều website 'thổi phồng' chất lượng, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Những chiêu trò quảng cáo sai sự thật về Juicy Slim

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) nhận được phản ánh về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Juicy Slim (sản phẩm giảm cân) được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.

Sản phẩm Juicy Slim do Công ty TNHH Pavilis Việt Nam (địa chỉ tại số 58, ngách 83, ngõ 93, phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) chịu trách nhiệm công bố, phân phối ra thị trường. Người đại diện pháp luật của Công ty là bà Bùi Hương Giang.

Sản phẩm Juicy Slim do Công ty TNHH Pavilis Việt Nam chịu trách nhiệm công bố, phân phối ra thị trường 

Theo xác minh của phóng viên, sản phẩm Juicy Slim thực chất chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên, thời gian qua, trên hàng loạt website (điển hình như các website: https://bacsi24.com; https://reveo5sao.com; https://muathongminh.net; https://chuyensuckhoesacdep.com; https://entrewiki.net; https://www.spchinhhang-shop.online; https://www.juicyslim-chinhhang.com; https://thienduonglamdep.com…) sản phẩm Juicy Slim đang được quảng cáo là “thuốc” và giống với thuốc chữa bệnh.

Cụ thể, sản phẩm Juicy Slim được quảng cáo có công dụng: “đánh bay” mỡ thừa; kiểm soát sự thèm ăn; cải thiện số đo hình thể; bổ sung collagen, thanh lọc cơ thể giúp đẹp da, giảm mụn; Phòng ngừa các bệnh mãn tính do béo phì: tim mạch, tiểu đường, rối loạn nội tiết, hô hấp, xương khớp, ung thư…”. Tuy nhiên, theo nội dung Giấy phép quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp, Juicy Slim không có những công dụng này.

Dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng Juicy Slim lại được quảng cáo là thuốc.

Thậm chí, một số website còn ngang nhiên quảng cáo sản phẩm Juicy Slim đã được “Bộ Y tế chứng nhận chất lượng, cấp giấy chứng nhận, cấp phép trên toàn quốc”. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Y tế mới chỉ cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho sản phẩm Juicy Slim.

Kết quả thực tế của sản phẩm ra sao cần thanh tra, hậu kiểm mới có thể kết luận. Thực trạng này khiến dư luận không khỏi nghi vấn liệu những đơn vị phân phối, quảng cáo Juicy Slim có đang “mượn danh” Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm để tự “tâng bốc” chất lượng sản phẩm Juicy Slim?

Quảng cáo Juicy Slim được Bộ Y tế chứng nhận chất lượng sản phẩm liệu có đúng? 

Chưa dừng lại ở đó, các website điện tử còn quảng cáo sản phẩm bằng cách sử dụng hình ảnh, thư tín của bệnh nhân, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, liệt kê từng thành phần của sản phẩm (hành vi bị cấm, nhiều doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt). Tuy nhiên, việc những bệnh nhân, người tiêu dùng và cả bác sĩ có trong quảng cáo có nói những nội dung đó hay không thì chưa thể kiểm chứng?

Hình ảnh Ths. Bác sĩ Lê Thị Hải và diễn viên Quỳnh Nga được sử dụng quảng cáo cho sản phẩm Juicy Slim. 

Người tiêu dùng bị lừa dối, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Căn cứ những quy định trên, có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm Juicy Slim đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng thực sự của sản phẩm.

Đối với những thông tin phản ánh về việc sản phẩm Juicy Slim quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty TNHH Pavilis Việt Nam (đơn vị phân phối, công bố sản phẩm) có chịu trách nhiệm về những nội dung quảng cáo sai lệch này? Những website quảng cáo “thổi phồng” chất lượng sản phẩm Juicy Slim có phải do công ty này điều hành? Nếu chất lượng sản phẩm Juicy Slim không tốt như quảng cáo, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) sẽ tiếp tục thông tin!

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang