Giáo viên mầm non tát bôm bốp, bóp cổ, dí đầu trẻ chịu án tù 3 năm?

author 07:16 18/12/2013

Nếu bị truy cứu hình sự, cộng tất cả tình tiết tăng nặng, bảo mẫu hành hạ trẻ em chịu mức án tối đa là 3 năm tù.

Mới đây, dư luận dậy sóng về hình ảnh các bảo mẫu tại trường mầm non tư thục Phương Anh (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) hành hạ trẻ em. Liệu các bảo mẫu này có bị pháp luật trừng trị? Họ sẽ bị trừng trị như thế nào?

Luật sư Phạm Thành Long (Giám đốc Công ty Luật gia Phạm, Hà Nội) cho biết, bảo mẫu đánh trẻ tại TP. HCM có thể bị xem xét về 2 tội: "hành hạ người khác" và "làm nhục người khác". Tuy nhiên, theo luật sư Long, nhiều khả năng nhóm bảo mẫu này bị truy cứu về tội "hành hạ người khác". Hành hạ trẻ em là tình tiết tăng nặng. Các bảo mẫu có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

Luật sư Long cũng cho biết ngoài ra, chủ cơ sở mầm non này còn bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh trái phép. Nếu trường đã từng bị phạt hành chình về lỗi này thì chủ cơ sở sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "kinh doanh trái phép". Trường hợp này bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Cùng quan điểm với luật sư Phạm Thành Long, luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, Hà Nội) cho rằng, các bảo mẫu trên sẽ bị xem xét tội "hành hạ người khác" với các tình tiết tăng nặng gồm: "đối với trẻ em", "đối với nhiều người", "phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng".

Theo luật sư Dũng, hành vi của các bảo mẫu gây hậu quả nghiêm trọng vì điều đó có thể để lại di chứng nặng nề trong tâm sinh lý những đứa trẻ. Việc làm đó còn tạo ra một hình ảnh xấu, gây phẫn nộ trong dư luận, tạo sự bất ổn tâm lý cho cả những phụ huynh có con đang độ tuổi đi nhà trẻ.

Tuy nhiên, luật sư Dũng thừa nhận, dù cộng nhiều tình tiết tăng nặng đến mấy, các bảo mẫu hành hạ trẻ em chỉ có thể chịu mức án đến 3 năm tù giam.

Tất nhiên, nếu kết quả giám định chỉ cần cho thấy các cháu có thương tích, luật sư Dũng cho biết, các bảo mẫu có thể bị truy cứu tội "cố ý gây thương tích". Theo đó, họ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Trách nhiệm quản lý

Trước câu hỏi mức án với tội hành hạ người khác có nhẹ quá, luật sư Phạm Thành Long cho rằng chưa hẳn. Ở đây còn có yếu tố nhận thức xã hội. Trên thực tế, chuyện cha mẹ đánh con trong nhà lâu nay vẫn thường xuyên xảy ra. Thậm chí, bây giờ nhiều nơi cha mẹ còn đánh con đau hơn thế.

Theo ông Long, người nông thôn chưa hẳn nhìn nhận vấn đề này nặng nề bằng thành thị. Chính một số bộ phận dân chúng người Việt vẫn còn quan niệm "yêu cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi". Đôi khi, hành hạ không phải vì sự căm ghét mà có thể do nhận thức, đạo đức, văn hóa. Có thể, các bảo mẫu cũng giáo dục con họ theo phương pháp đó.

"Đáng trách là chính quyền địa phương đã thả lỏng công tác quản lý dù đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện rất chặt chẽ." - Luật sư Long nói.

Ông Long còn cho rằng, đây không phải lần đầu tiên xảy ra một vụ hành hạ trẻ em. Chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này. Chính quyền ở đây đã để cho việc kinh doanh trái phép diễn ra.

"Ở những nước phát triển, nếu để xảy ra vụ việc thế này, chủ tịch phường, quận hoặc trưởng phòng giáo dục có thể phải từ chức." - Ông Long nhấn mạnh.

Vị luật sư đánh giá, đây mới chỉ là những vụ việc điển hình. Chuyện tương tự có thể còn tồn tại rất nhiều trong xã hội mà chúng ta chưa biết đến.

"Vụ việc này đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Đơn giản vì chính tôi cũng từng trải qua sự hành hạ đó khi mới 2 tuổi. Tuy nhiên ngày đó, chưa có sự xử lý về mặt luật pháp đối với những trường hợp này. Sau này tôi chỉ biết, giáo viên trông trẻ bị chuyển công tác." - Luật sư Phạm Thành Long chia sẻ.

Điều 110 BLHS quy định về tội "hành hạ người khác":

Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

b) Đối với nhiều người.

Điều 104. BLHS quy định về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

...

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

...

Theo Khampha

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang