Hà Giang tiêu hủy 4.644 sản phẩm thực phẩm nhập lậu

author 05:58 02/09/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang vừa giám sát tiêu hủy hơn 4000 sản phẩm thực phẩm nhập lậu không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang cho biết, trước đó Đoàn Kiểm tra của Đội QLTT số 9 phối hợp cùng Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang thực hiện kiểm tra đột xuất Cửa hàng Chuyên sỉ lẻ Giấy ăn - Giấy Vệ sinh, Nước Giải khát các loại tại địa chỉ: 78A đường 19/5 tổ 1, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang do bà: Trần Thùy Dương, sinh năm 1996 là chủ cửa hàng.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh 4.644 sản phẩm hàng hóa do nước ngoài sản xuất gồm các mặt hàng: Bánh trứng, xúc xích, gói chân vịt, gà nướng ngũ vị, vịt nướng subaxi, mỳ bò dưa chua, mỳ bò hầm, xì dầu đông cổ, cá biển, hạt hướng dương, và đồ nước đóng chai (nước đào ép, trà nhài, nước lê đường phèn, bia yến kinh), tổng số trị giá xác định là 41.396.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên không có bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng từ gì liên quan chứng minh tính hợp pháp theo quy định.

 Lượng lớn thực phẩm nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Đấu tranh làm rõ, bà Trần Thùy Dương đã thừa nhận hàng hóa trên được bà thu mua trôi nổi số hàng trên do giá thành rẻ và bán lại để kiếm lời, đồng thời xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Đội QLTT số 9 đã ban hành quyết định xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu đối với bà Trần Thùy Dương số tiền 35.000.000 đồng. Đồng thời toàn bộ hàng hóa nhập lậu không đủ điều kiện lưu thông được chủ cơ sở thực hiện tiêu hủy bằng hình thức cắt hủy bao bì, dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan: Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý thị trường Hà Giang, Truyền hình tỉnh.

Liên quan tới hình thức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

1) Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

5 tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Tiêu chuẩn ISO 22000:2018

Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 là tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành. Giấy chứng nhận ISO 22000 được chấp nhận và có giá trị trên toàn thế giới.

ISO 22000:2018 là tiêu chuẩn mới nhất hiện nay, được xây dựng dựa trên nền tảng nguyên lý của 2 tiêu chuẩn sau: HACCP – Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn; ISO 9001:2015 – Hệ thống quản lý chất lượng. 

Đây là một trong số những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Doanh nghiệp bạn sẽ được đánh giá và thừa nhận là có hệ thống quản lý tốt về an toàn thực phẩm và đủ khả năng cung cấp sản phẩm thực phẩm an toàn ra ngoài thị trường khi đạt được chứng nhận ISO 22000:2018.

Ngoài ra, mọi tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung cấp thực phẩm đều có thể áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000, không phân biệt quy mô, loại hình. Bao gồm cả những tổ chức hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong chuỗi thực phẩm.

Tiêu chuẩn HACCP

HACCP từ viết tắt của “Hazard Analysis & Critical Control Point” – Phân tích mối nguy và Kiểm soát điểm tới hạn.

Tương tự như ISO 22000, nó cũng là một tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đúng như tên gọi “Phân tích mối nguy và Kiểm soát điểm tới hạn” HACCP được xem là một công cụ phổ biến trong ngành thực phẩm có chức năng xác định và ngăn chặn các mối nguy hại cụ thể hoặc đang tiềm ẩn có nguy cơ gây ảnh hưởng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

HACCP có thể xác định được mối nguy như: Các mối nguy từ sinh học, mối nguy hóa học, vật lý, hay các điều kiện bảo quản, vận chuyển, sử dụng.

Đối tượng áp dụng HACCP gồm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…; các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, khu chế xuất, thức ăn công nghiệp; cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn và các tổ chức hoạt động liên quan đến thực phẩm.

Tiêu chuẩn FSSC 22000

FSSC 22000 – Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm. Đây là một trong những tiêu chuẩn phát triển về sản xuất thực phẩm an toàn đầu tiên ở quy mô quốc tế.

Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế FSSC 22000 cung cấp một khuôn khổ cho việc quản lý hiệu quả trách nhiệm về chất lượng và an toàn thực phẩm. FSSC 22000 được thừa nhận là tương đương và có thể thay thế cho các tiêu chuẩn như BRC, IFS,… được công nhận trước đây của GFSI.

Để áp dụng và đạt chứng nhận FSSC 22000, đầu tiên các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất chế biến doanh nghiệp bạn phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu. Không được bỏ qua bước phân tích nhận diện và kiểm soát mối nguy theo nguyên tắc HACCP. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải đánh giá rủi ro và thiết lập chương trình phòng vệ thực phẩm để kiểm soát nhiễm bẩn cố ý do mục đích phá hoại.

Tiêu chuẩn GMP

Từ đầu tháng 07/2019, theo quy định, tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe bắt buộc đều phải đạt tiêu chuẩn GMP. Điều đó có nghĩa, sau mốc thời gian trên doanh nghiệp sẽ không được phép tiếp tục sản xuất nếu không được cấp chứng nhận GMP.

GMP – Tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành sản xuất tốt. Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm này tập trung áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm yêu cầu điều hiện vệ sinh cao như: thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế. Ngoài ra, trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, khách sạn cũng rất thích hợp cho việc áp dụng tiêu chuẩn GMP.

Tiêu chuẩn BRC

BRC (British Retail Consortium) là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, được xây dựng và ban hành bởi Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc.

Cũng giống như hầu hết các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến hiện nay. Doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn BRC với mục đích kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn an toàn. Tiêu chuẩn đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tuân thủ luật lệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Giấy chứng nhận BRC được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu. Đối tượng áp dụng BRC bao gồm: các cơ sở sản xuất, công ty, nhà máy thực hiện sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nói chung (ví dụ: thủy sản, rau củ quả, nước uống, bia, rươu, dầu ăn,…). Và không áp dụng cho các hoạt động liên quan tới bán sỉ nhập khẩu, phân phối hay tồn trữ ngoài sự kiểm soát của tổ chức.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang