Chất lượng không khí có dấu hiệu xấu đi vào ban đêm

author 10:42 08/06/2020

(VietQ.vn) - Không khí Hà Nội ngày càng trong tình trạng xấu đi, thậm chí cả vào ban đêm. Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết bất lợi, kết hợp với hoạt động đốt chất thải lộ thiên của người dân.

Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, trên cơ sở dữ liệu thu được từ 34 trạm quan trắc chất lượng không khí (CLKK) tự động, liên tục từ ngày 1/6 đến ngày 7/6 trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (đặc biệt là PM10 và PM2.5) thường có xu hướng tăng cao vào ban đêm và rạng sáng (từ 18 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau), và giảm dần từ trưa sang chiều, sau khi bức xạ mặt trời tăng.

Cụ thể trạm Trung Yên 3 có 2 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 28.6%, còn lại ở mức trung bình. Trạm Kim Liên, Tân Mai và Mỹ Đình tất cả các ngày đều có chất lượng không khí ở mức trung bình. Trạm Tây Mỗ có 2 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 28.6%, còn lại ở mức trung bình.

 

Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại Ủy ban nhân dân phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, tuần này chỉ số AQI có xu hướng xấu đi so với tuần trước. Cụ thể, cả 2 trạm đều có 3 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 42.9%, còn lại ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng trong tuần lần lượt  là 117-110.

Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, chất lượng không khí của tuần này cũng có xu hướng cao hơn so với tuần trước. Cụ thể, trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 14.3%, còn lại tất cả các ngày đều ở mức trung bình. Trạm Hàng Đậu có 3 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 42.9%; còn lại ở mức trung bình. Trạm Thành Công có 1 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 14.3%, còn lại các ngày trong tuần đều ở mức trung bình.

Lý giải về hiện tượng này, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới CLKK suy giảm trong thời gian gần đây như: Biến thiên nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng (nguồn phát thải, điều kiện khí tượng); tốc độ gió; khả năng khuấy trộn của không khí theo chiều dọc (độ ổn định); bức xạ mặt trời và các phản ứng quang hóa.

 Rác thải người dân đốt trực tiếp làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí

Bên cạnh đó, một số khu vực ngoại thành đã vào mùa thu hoạch, xuất hiện tình trạng đốt lộ thiên chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt vào chiều muộn và ban đêm khiến cho nồng độ chất ô nhiễm trong không khí tăng.

Ngoài ra, điều kiện khí tượng bất lợi, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn (ban ngày nhiệt độ tăng cao, trời oi nóng, ban đêm nhiệt độ giảm mạnh, lặng gió) đã tạo thành lớp màng bao phủ TP, hạn chế sự tạo ra chuyển động rối trong lớp khí quyển sát đất, đã khiến chất ô nhiễm không được khuyếch tán lên cao mà tích lũy lại ở lớp không khí gần mặt đất vào ban đêm.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống, các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ. Đồng thời, người dân nên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng thời tiết hàng ngày để chủ động có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. 

Bảo Linh

Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số(VietQ.vn) - Dịch COVID-19 bùng phát đặt ra vấn đề kết nối các hệ thống dịch vụ công, đóng tiền điện, hay kết nối mobile banking... Do đó, cần nhanh chóng xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số…
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang