Hà Nội: 'Chỉ mặt đặt tên' loạt doanh nghiệp nợ tổng hơn 100 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội

author 09:39 22/03/2021

(VietQ.vn) - Tính đến hết tháng 02/2021, Hà Nội có 500 đơn vị sử dụng lao động điển hình nợ đọng bảo hiểm xã hội với tổng số nợ là hơn 126 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách là Công ty CP tường kính TID (Tầng 14, số 4 Liễu Giai, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) nợ 22 tháng với số tiền gần 6 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Thuận Phát (Tầng 8 tòa nhà VII, 519 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) nợ 7 tháng với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Công ty TNHH Một Thành Viên Sông Đà 2 E&C (Km 10, đường Nguyễn Trãi, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội nợ 16 tháng với số tiền hơn 3 tỷ đồng,...

 Nhiều doanh nghiệp Hà Nội nợ tiền bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa

Những công ty có số người lao động bị nợ cao như Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Thuận Phát với 365 lao động bị nợ. Tiếp đó là Công ty CP dược phẩm công nghệ cao Abipha nợ bảo hiểm xã hội của 199 lao động; Công ty CP Constrexim Bắc Hà nợ bảo hiểm xã hội của 122 lao động; Công ty TNHH MTV Sông Đà 2 E&C nợ bảo hiểm xã hội của 118 lao động…

Những đơn vị này đã có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của 7.577 lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Ngoài việc gửi danh sách các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cho UBND thành phố Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tìm phương án giải quyết nợ đọng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng khuyến cáo các đơn vị, doanh nghiệp nếu có hành vi trốn đóng, nợ đọng bảo Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế có thể sẽ phải đối mặt với án phạt nghiêm khắc, chịu hình phạt tù, phạt tiền theo quy định tại Bộ Luật Hình sự mới sửa đổi.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Vnexpress, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP HCM cho hay người lao động bị ảnh hưởng nhiều quyền lợi khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Họ không được hưởng quyền lợi khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... Khi nghỉ việc, người lao động không được chốt sổ để nhận tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Theo ông Đô, khi có thông tin về doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, tổ chức công đoàn sẽ kiến nghị chính quyền cùng đưa ra biện pháp xử lý. Trung tâm Tư vấn Pháp luật của Liên đoàn Lao động thành phố, phối hợp công đoàn quận huyện hỗ trợ người lao động về mặt pháp lý khởi kiện công ty. Công đoàn cũng có phương án giúp đỡ, hỗ trợ những người ốm đau, thai sản...

Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang