Hà Nội kiểm soát và siết chặt quản lý thị trường đồ chơi trẻ em trước thềm Tết Trung thu 2023

author 05:06 10/08/2023

(VietQ.vn) - Nhằm quản lý chặt các mặt hàng đồ chơi nhập lậu trước dịp Tết Trung thu sắp tới, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này.

Đồ chơi trẻ em phù hợp là một công cụ giúp trẻ em phát huy những khả năng tư duy, sáng tạo và xây dựng môi trường vui chơi lành mạnh cho các em nhỏ. Tuy nhiên, việc lựa chọn đồ chơi trẻ em không phải các tổ chức, người tiêu dùng và các bậc cha mẹ nào cũng nắm được. Trong những dịp Tết Trung thu hằng năm, thị trường kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em càng trở nên sôi động hơn, đặc biệt là rất nhiều mặt hàng được nhập từ nước ngoài phong phú về mẫu mã và chủng loại. Cũng không ít mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng tiềm ẩn những rủi ro cho trẻ em.

Theo ghi nhận trên địa bàn TP. Hà Nội, hiện nay đồ chơi trẻ em được bày bán rầm rộ tại các cửa hàng và nhất là các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhiều loại đồ chơi được niêm yết trên các sàn thương mại điện tử, thậm chí tại một số cửa hàng lại không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ em khi sử dụng.

 
Đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, chất này dễ dàng rời bỏ chất gốc và phân tán vào cơ thể người khi tiếp xúc ở nhiệt độ nóng, đó là nguy cơ khi trẻ ngậm đồ chơi hoặc qua đường hô hấp. Ngoài ra, chất này còn có thể gây nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng, nhất là đối với trẻ em.
 

Các sản phẩm đồ chơi trẻ em hiện nay được bán trên thị trường khá phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá thành. Ngoài những sản phẩm quen thuộc trên thị trường, một số sản phẩm được nhiều người tìm kiếm năm nay như trống phát nhạc, bộ đèn cánh bướm, đèn trung thu biết bay, đèn lồng lò xo phát sáng 7 màu, các con công, cá heo phát sáng... Các sản phẩm này có mức giá dao động từ 20.000 đến 100.000 đồng/chiếc.

Thực tế, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm đồ chơi nhập lậu, trong đó có nhiều loại đồ chơi mang tính bạo lực gây nguy hiểm cho trẻ em. Thậm chí, có nhiều mặt hàng đồ chơi còn gây ảnh hưởng xấu đến việc hình thành tính cách và đạo đức của thế hệ tương lai. Cụ thể vào tháng 5/2023 Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) đã bắt quả tang cửa hàng thuộc hộ kinh doanh Phan Thị Nga (địa chỉ số 162 đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang kinh doanh gần 2000 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu.

QLTT TP. Hà Nội siết chặt quản lý mặt hàng này trước thềm Tết Trung thu đang tới gần. Ảnh minh họa

Theo cảnh báo của các chuyên gia về sức khoẻ, những món đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của trẻ khi tiếp xúc trực tiếp. Nếu sử dụng trong thời gian dài, những chất này xâm nhập vào cơ thể bằng cách tiếp xúc qua da, đường miệng, hoặc thông qua đường hô hấp sẽ khiến trẻ dễ mắc các nguy cơ về ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh hoặc thậm chí có thể bị ung thư. Các chuyên gia cũng khuyến cáo thêm, người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, không vì ham mua đồ chơi rẻ mà làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Siết chặt quản lý mặt hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ trong dịp Tết Trung thu đang tới gần

Tết Trung thu đang tới gần, nhu cầu mua sắm đồ chơi trẻ em cũng nâng cao, mặt hàng mẫu mã được bày bán tại các cửa hàng và trên các sàn thương mại điện tử lại nhiều vô số với các mức giá khác nhau. Tại đó cũng tồn tại những mặt hàng rõ nguồn gốc xuất xứ và không rõ xuất xứ, có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi sử dụng. 

Để siết chặt mặt hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ trong dịp Tết Trung thu đang tới gần, ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các đội trực thuộc tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng đồ chơi trẻ em,... ngăn chặn các sản phẩm đồ chơi độc hại, kích động bạo lực nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng sẽ công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để cảnh báo đến người tiêu dùng.

Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng khuyến cáo người tiêu dùng, nên cẩn trọng khi mua hàng, nên lựa chọn những địa điểm uy tín để mua đồ chơi cho trẻ nhỏ, để tránh rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang".

Đối với đồ chơi nhập khẩu, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và ghi đầy đủ các thông tin về nhãn hàng hóa. Cần kiểm tra các thông tin ghi nhãn sản phẩm đồ chơi trẻ em trước khi mua, để lựa chọn sản phẩm thích hợp với độ tuổi và nhu cầu.

Chỉ mua và sử dụng đồ chơi trẻ em đã được chứng nhận hợp quy, trên sản phẩm, hàng hóa hoặc trên nhãn, bao bì của sản phẩm phải có dấu hợp quy CR (thể hiện sản phẩm có chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia), dấu hợp quy có định dạng.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 03:2019/BKHCN, đồ chơi trẻ em là sản phẩm hoặc vật liệu bất kỳ được thiết kế hoặc được nêu rõ để sử dụng cho trẻ nhỏ hơn 16 tuổi sử dụng khi chơi.

Đồ chơi trẻ em trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với mặt hàng sản xuất trong nước hoặc được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu. Đồ chơi trẻ em phải đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2019/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em như yêu cầu an toàn về cơ lý, về tính cháy, về hóa học và về an toàn điện đối với đồ chơi trẻ em sử dụng điện (kèm theo Danh mục đồ chơi trẻ em phải bảo đảm các yêu cầu của QCVN 03:2019/BKHCN).

Việc công bố đồ chơi trẻ em có chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được thể hiện bằng dấu hợp quy (CR) do nhà sản xuất, nhập khẩu gắn trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa; trên nhãn hoặc trên bao bì hàng hóa đó ở vị trí dễ quan sát, không thể tẩy xóa.

Quy chuẩn trên cũng quy định việc ghi nhãn đối với đồ chơi trẻ em: Đồ chơi trẻ em khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, gồm các thông tin (bằng tiếng Việt): Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ đầy đủ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa (tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa); Xuất xứ hàng hóa; Các nội dung khác phải thể hiện trên nhãn hàng hóa như: Thành phần; thông số kỹ thuật; thông tin cảnh báo; hướng dẫn sử dụng; năm sản xuất.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang