Hà Nội: Thu giữ 2.480 sản phẩm quần áo cùng nhiều thực phẩm chức năng nhập lậu
Ngang nhiên livestream bán hàng nhập lậu
Xử phạt cơ sở kinh doanh, buộc tiêu hủy 288 bánh trung thu nhập lậu
Tại tầng hầm C2 chung cư UDIC Westlake, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Tây Hồ phối hợp Đội Quản lý thị trường số 9 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra xe ô tô tải đang dừng đỗ bốc xếp hàng hóa có biểu hiện nghi vấn. Qua đó phát hiện số lượng lớn sản phẩm may mặc, quần áo không hóa đơn, chứng từ...
Qua làm việc, lái xe N.T.A (SN 1994), trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên khai nhận số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ thuộc sở hữu của anh N.Q.V (SN 1996), ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tổ công tác đã lập biên bản, đưa xe cùng hàng hóa về trụ sở Đội Quản lý thị trường số 9 để tiến hành kiểm đếm. Kết quả có 2.480 sản phẩm quần áo các loại, tổng trị giá khoảng 86.550.000 đồng. Anh V. khai nhận số hàng nhập lậu đang mang đi tiêu thụ.
Trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế phối hợp Đội Quản lý thị trường số 9 kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Qua đó phát hiện nhiều mặt nạ và nước đóng chai là thực phẩm chức năng. Toàn bộ số hàng hóa trên là thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Tiếp tục kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, tổ công tác phát hiện số lượng lớn gia vị và thuốc lá do nước ngoài sản xuất. Làm việc với cơ quan công an, chủ kho hàng là anh P.Đ.H. (SN 1991), trú tại quận Tây Hồ không xuất trình được hóa đơn chứng từ hàng hóa. Tổ công tác đã lập biên bản tịch thu toàn bộ số hàng hoá trên, buộc tiêu huỷ và xử lý chủ cơ sở về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu theo quy định.
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra số hàng hóa vi phạm. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Trước các vụ việc trên, Công an quận Tây Hồ khuyến cáo người dân lựa chọn mua hàng hoá có nguồn gốc rõ ràng tại những cơ sở được cấp phép, đủ điều kiện kinh doanh, tránh mua phải hàng hoá không rõ nguồn gốc, tiêu thụ thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ xuất xứ, kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi.
Liên quan tới mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập lậu, lực lượng Quản lý thị trường cho biết, hiện thị trường thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đang rất phát triển nhưng cũng vô cùng hỗn loạn khi nhiều sản phẩm quảng cáo quá mức về công dụng. Thậm chí không ít loại là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng được “thổi phồng” về công dụng để bán với giá "cắt cổ", khiến người tiêu dùng gánh chịu thiệt hại lớn về sức khỏe và kinh tế. Tuy nhiên, công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với nhóm hàng này của cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn.
Các đối tượng lợi dụng đưa thông tin không chính xác, thổi phồng công dụng nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đánh vào tâm lý tin dùng hàng ngoại nhập, thu hút đông đảo người tiêu dùng, đẩy nhu cầu sử dụng ngày càng lớn trên thị trường. Điều này khiến cơ quan quản lý nhà nước gặp một số khó khăn trong việc xử lý, như: đối với nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng giả hiện nay khi phát hiện, bắt giữ phải được giám định trước khi xử lý nhưng một số sản phẩm không có mẫu hàng thật do nhiều mặt hàng không lưu hành ở Việt Nam hoặc không có đại diện sở hữu dẫn đến cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự mà phải chuyển sang xử lý hành chính nên không đủ tính răn đe đối với đối tượng vi phạm.
Bên cạnh đó, lợi dụng nhu cầu dùng thực phẩm chức năng của người dân cao, nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho cơ quan quản lý không quản lý được nội dung quảng cáo nên không xác định được chủ thể quảng cáo và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
An Dương (T/h)