Xử phạt cơ sở kinh doanh, buộc tiêu hủy 288 bánh trung thu nhập lậu

author 19:45 04/09/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Cục Quản lý thị trường Ninh Bình đã xử phạt chủ cửa hàng kinh doanh Lương Vui (huyện Kim Sơn) và buộc tiêu hủy 288 bánh trung thu nhập lậu.

Theo Cục Quản lý thị trường Ninh Bình, Đội Quản lý thị trường số 4 đã kiểm tra, xử phạt chủ cửa hàng kinh doanh Lương Vui trên địa bàn huyện Kim Sơn với số tiền phạt hành chính 6 triệu đồng và buộc tiêu hủy 288 chiếc bánh trung thu các loại nhập lậu.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024, ngày 31/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh thực phẩm Lương Vui (địa chỉ: Xóm 3, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh hàng hóa là thực phẩm gồm 288 chiếc bánh trung thu các loại do nước ngoài sản xuất. Ông Vũ Đức Chỉnh - chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để có căn cứ xác định tính hợp pháp của số hàng hóa do nước ngoài sản xuất nói trên. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 10 triệu đồng.

Xử phạt cơ sở kinh doanh và buộc tiêu hủy 288 bánh trung thu nhập lậu.

Cùng ngày, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 đã ban hành Quyết định xử phạt cơ sở nói trên với mức phạt tiền 6 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu huỷ hàng hóa vi phạm theo quy định đối với hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm nhập lậu.

Theo các chuyên gia về thực phẩm, bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài nguy cơ nấm mốc, các vấn đề khác về chất bảo quản, hóa chất, phẩm màu còn gây nguy hại nghiêm trọng hơn cho sức khỏe người dùng.

Cụ thể, theo chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về Công nghệ Thực phẩm), người tiêu dùng phải rất thận trọng khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bánh Trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Do đó, khi mua bất kể loại hàng hóa nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp như bánh Trung thu thì quan trọng nhất là nhãn mác và thành phần sản phẩm. Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm thì tuyệt đối không mua, bởi ăn những sản phẩm như vậy có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Chúng ta không biết trong chiếc bánh đó có những gì, được làm như thế nào, có an toàn không?

Đối với các loại bánh sử dụng phẩm màu, PGS. Thịnh cho rằng, nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cấp phép thì sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, sẽ là rủi do rất lớn nếu ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp, không có trong danh mục Bộ Y tế cấp phép.

Ngoài ra, việc ăn bánh mà sử dụng màu công nghiệp, phẩm màu không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm cho sức khỏe, vì thế không nên mua và ăn những loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được công khai bảng nguyên liệu thành phần. Chưa kể, chất bảo quản là điều đáng lo ngại khi sử dụng bánh trung thu. Với đặc thù bánh Trung thu rất dễ bị ẩm, nấm mốc nên rất dễ bị sử dụng chất bảo quản.

Về vấn đề này, PGS. TS Trần Đình Toán (Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho biết, vấn đề bánh Trung thu dùng hóa chất, chất tạo mùi công nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe là không phải bàn cãi. Bởi nếu người sản xuất thủ công, nhỏ lẻ không tuân thủ quy chuẩn an toàn của Bộ Y tế, sử dụng hóa chất, phẩm màu, chất bảo quản ngoài danh mục, trong danh mục nhưng sử dụng quá ngưỡng... đều có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Khi bị nhiễm vào cơ thể có thể gây tổn hại đến tất cả cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp… Không chỉ vậy, việc ăn bánh Trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn. Nguy hiểm hơn, nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Cũng theo các chuyên gia, trong hai loại bánh dẻo và bánh nướng thì nguy cơ bánh dẻo bị lên men, nấm mốc cao hơn hẳn so với bánh nướng. Vì bánh dẻo được làm theo kiểu nhồi ruột vào vỏ chín (đậu xanh tạo men nhanh nên dễ bị lên men, nấm mốc hơn) và đóng khuôn thành phẩm. Còn bánh nướng thì đảm bảo hơn do được qua quá trình xử lý nhiệt.

Vì thế, khi chọn bánh, người dân cần để ý xem hạn sử dụng của bánh, ngoài ra phải quan sát kỹ trên vỏ bánh có xuất hiện những vết lấm tấm bất thường hay không. Để tránh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân cần tuyệt đối không mua bánh có dấu hiệu bị mốc, không sử dụng bánh đã hết hạn hoặc không ghi hạn sử dụng; mua các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và có đăng ký chất lượng.

Không chỉ phía người tiêu dùng mà Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất cần thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sản phẩm an toàn. Đó là sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phải có công bố tiêu chuẩn sản phẩm tại các cơ quan có thẩm quyền. Sản xuất đúng quy trình để giảm nguy cơ ô nhiễm hóa học cũng như vi sinh trong thực phẩm. Sử dụng các chất phụ gia trong danh mục cho phép của Bộ Y tế…

Muốn mua được bánh Trung thu an toàn thứ nhất bánh phải có nguồn gốc xuất xứ, thứ hai là phải đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm( ATVSTP).

Không chỉ vậy, các sản phẩm bánh Trung thu cũng phải được sản xuất trên dây chuyền đảm bảo ATVSTP, sau đó được đóng bao bì khép kín và nếu có sử dụng chất tạo mùi tạo màu hay chất bảo quản thì phải theo đúng liều lượng cho phép, được phép của bộ Y tế chứng nhận là an toàn đối với người tiêu dùng.

Tại nhiều công ty lớn sản xuất bánh Trung thu, vấn đề an toàn thực phẩm đều được đặt lên hàng đầu. Theo lãnh đạo một công ty lớn tại Hà Nội, toàn bộ nguyên liệu đầu vào đều được kiểm duyệt một cách nghiêm ngặt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các thông tin về nguyên liệu, bán thành phẩm đều được cập nhật trong suốt quá trình chế biến. Sản phẩm làm ra được bảo quản trong bao gói nilon với công nghệ khí sạch và gói chống ẩm, ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh vật và oxy hóa chất béo, giúp giữ cho sản phẩm luôn có chất lượng tốt nhất trong suốt hạn sử dụng.

Chuyên gia khuyến cáo, khi chọn bánh Trung thu, kể cả bánh của công ty hay bánh được sản xuất thủ công (nhưng vẫn có đăng ký kinh doanh, công bố chất lượng, bánh cổ truyền của làng nghề), người dân cần xem kỹ hạn sử dụng, quan sát kỹ vỏ bánh để phát hiện nấm mốc.

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 7 Điều 147 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Điều 15. Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Như vậy, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi kinh doanh bánh trung thu nhập lậu là: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang