Ngang nhiên livestream bán hàng nhập lậu
Trường Tiểu học Tích Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển tính sáng tạo của học sinh
Công ty Phân bón Con Cò Vàng bị phạt 320 triệu đồng vì hàng loạt sai phạm
V-GREEN tiên phong triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền tại Việt Nam
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị vừa ra quyết định xử phạt hành chính một cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội TikTok do không khai báo địa điểm kinh doanh theo quy định và kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Trước đó, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh của một TikTok shop có tên H.A Food & Nest (căn hộ số 2011 trên tầng 20 của một tòa chung cư ở phường Hồng Hải, TP.Hạ Long). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện từ đầu tháng 8/2024 đến nay, TikTok shop H.A. Food & Nest đã thu mua hơn 4.500 gói hạt mix (hỗn hợp các hạt dinh dưỡng) và gần 300 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất để livestream (phát trực tiếp) bán trên TikTok để kiếm lời.
Khi cơ quan chức năng kiểm tra, bà Nguyễn Thị T.H. (SN 1993), chủ tài khoản TikTok shop H.A. Food & Nest, khai nhận đã bán được gần 3.500 sản phẩm trên mạng xã hội TikTok. Số còn lại đang livestream và bày bán trên TikTok shop thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Toàn bộ số hàng hóa trên không được dán nhãn phụ theo quy định về nhập khẩu và không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu kèm theo.
Sau khi xác minh, Đội Quản lý thị trường số 1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị T.H. về các hành vi không thông báo địa điểm kinh doanh theo quy định, kinh doanh hàng hóa nhập lậu với tổng số tiền phạt 17,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm bị thu giữ. Cùng với đó, bà Nguyễn Thị T.H. còn bị buộc nộp lại gần 13 triệu đồng số lợi nhuận bất hợp pháp do bán hàng vi phạm trên TikTok.
Theo Điều 6 Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường do Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng ban hành, hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hàng hóa nhập khẩu bị coi là hàng hóa nhập lậu:
- Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết mà cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp trong thời hạn quy định tại Điều 3 Thông tư này;
- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường có hóa đơn, chứng từ nhưng qua điều tra, xác minh của cơ quan chức năng xác định là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Hóa đơn không hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn được quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều 3 Chương I Nghị định số 51/2010/NĐ-CP;
- Hàng hóa nhập khẩu do cơ sở sản xuất, kinh doanh thu mua gom hàng hóa trao đổi cư dân biên giới xuất hóa đơn bán hàng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh khác vận chuyển vào nội địa. Khi các cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc hàng hóa mà không có đủ chứng từ quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Nghị định này bao gồm:
- Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh, trừ trường hợp đã được quy định tại nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác;
- Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm;
- Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác;
- Hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá;
- Hành vi vi phạm về kinh doanh rượu;
- Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng;
- Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại;
- Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;
- Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
- Hành vi vi phạm về thương mại điện tử;
- Hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam;
- Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại.
Thanh Hiền (t/h)