Hải Dương: Tràn lan mỹ phẩm không có tem, nhãn phụ tiếng Việt theo quy định

author 15:43 21/08/2024

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận tại thị trường tỉnh Hải Dương tình trạng kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm 'xách tay', nhập khẩu không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt tràn lan khiến người tiêu dùng như rơi vào 'ma trận'.

Hoạt động kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm 'xách tay’, nhập khẩu phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi

Hiện nay, mỹ phẩm được bày bán từ các siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm 'xách tay', nhập khẩu cho đến cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh, từ bán trực tiếp cho đến các kênh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Người tiêu dùng như rơi vào 'ma trận', khó phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả.

Ghi nhận tại một cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo, túi xách, phụ kiện ở thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương có rất nhiều khách hàng đến mua sắm, chủ yếu là người trẻ. Khu vực bày bán mỹ phẩm của cửa hàng có nhiều loại sản phẩm như từ phấn má, son môi, phấn mắt, kem dưỡng da cho đến thuốc nhuộm tóc, xịt tóc… do Việt Nam sản xuất hoặc ghi xuất xứ từ nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Tuy nhiên, phần lớn những tuýp, chai, lọ mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, thông tin về đơn vị nhập khẩu theo quy định.

Tương tự, tại một cửa hàng chuyên kinh doanh mỹ phẩm ở đường Tuệ Tĩnh (thành phố Hải Dương), theo quan sát của chúng tôi, các thông tin sản phẩm thể hiện bằng tiếng nước ngoài nhưng phần lớn không có tem, nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Chủ cửa hàng này cho biết, các loại mỹ phẩm này là hàng "xách tay" và nhập khẩu.

Mỹ phẩm không có nhãn phụ, không có thông tin nhập khẩu bán đầy chợ, cửa hàng tại Hải Dương. Ảnh: Báo Hải Dương

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Hải Dương (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm mỹ phẩm vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi (mua hàng xách tay, thuê gia công, không có cửa hàng kinh doanh cố định) gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Các đối tượng thường có thủ đoạn tinh vi để tránh sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Xu hướng vận chuyển hiện nay không qua đường mòn, lối mở mà chuyển sang dịch vụ chuyển phát, để trà trộn hàng hóa vi phạm trong quá trình vận chuyển. Lợi dụng hình thức kinh doanh online để bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử... Thực trạng này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến sự ổn định, lành mạnh của môi trường kinh doanh ở Hải Dương.

Các thành viên của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh các mặt hàng thuộc nhóm hàng mỹ phẩm thông qua hình thức thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc lấy mẫu kiểm định, giám định đối với nhóm hàng mỹ phẩm hiện gặp nhiều khó khăn, quy định về xử lý hàng hóa vi phạm sau tịch thu (bán thanh lý hay tiêu hủy) chưa rõ ràng. Nhiều sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ tại nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt tại một cửa hàng ở thị trấn Gia Lộc.

Trong năm 2023 và quý I/2024, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hải Dương đã xử lý 30 vụ vi phạm thuộc nhóm hàng mỹ phẩm. Trong đó có 1 vụ buôn lậu, 2 vụ hàng giả, 27 vụ gian lận thương mại. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 29 vụ với tổng số tiền phạt hơn 232 triệu đồng; chuyển 1 vụ sang xử lý hình sự.

Điển hình, từ ngày 1/1-3/7, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh Hải Dương đã lấy 323 mẫu dược phẩm, 29 mẫu mỹ phẩm, phát hiện 5 mẫu không đạt. Cục Quản lý Được đã ra quyết định thu hồi trên phạm vi toàn quốc với 2 loại mỹ phẩm, dược phẩm. Các mẫu mỹ phẩm, dược phẩm được lấy tại nhà thuốc thuộc các Trung tâm Y tế tuyến huyện và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dược trong tỉnh. 1 mẫu mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng là bột khử mùi Trapha 30g (sản phẩm của Công ty CP Traphaco sản xuất tại Công ty CP Dược và vật tư y tế Thái Nguyên) do chứa hàm lượng thuỷ ngân cao hơn mức cho phép.

Đầu tháng 8/2024, Cục Quản lý thị trường Hải Dương đã quyết định xử phạt hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hương ở đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Hải Dương) 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy số mỹ phẩm nhập lậu trị giá gần 36 triệu đồng. Qua kiểm tra ngày 30/7, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện chị Hương buôn bán 262 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu, trong đó có 55 chai sữa dưỡng ẩm và chống nắng Hatomugi SPF31 (loại 250ml), nhiều tuýp sữa rửa mặt Hatomugi loại 130g, 170g cả màu xanh, màu trắng; 50 tuýp sữa rửa mặt Senka (loại 120g tuýp màu hồng) và 70 hộp thuốc nhuộm tóc Bigen (hộp gồm 2 tuýp 40g/tuýp).

Nguy hại từ mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương) Vũ Minh Hải, các vụ hàng hóa thuộc nhóm mỹ phẩm vi phạm chủ yếu là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu và hàng giả. Các sản phẩm mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sắc đẹp.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh - Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều tác hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là da khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Một số người sẽ bị tác dụng tức thì ngay sau khi dùng như mẩn đỏ, nổi ban, dị ứng trực tiếp trên da. Có những trường hợp bị muộn hơn, sau khi dùng sản phẩm được một thời gian thì da mặt mỏng hơn, giãn mạch nhiều hơn.

Đối với những loại mỹ phẩm bị làm giả, đa số sẽ có thành phần là những kim loại nặng trong mỹ phẩm. Khi sử dụng những loại mỹ phẩm này lâu sẽ gây biến đổi gen và các tế bào, phát sinh các bệnh về gan, nội tiết... thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh.

Do đó khi mua mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, một trong những yếu tố để sàng lọc ban đầu là phải có thông tin của đơn vị nhập khẩu, nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng. Đối với những loại mỹ phẩm có thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng lại có giá rẻ giật mình, người tiêu dùng cần cảnh giác bởi tiền nào của nấy, sản phẩm đã có các phân khúc giá rõ ràng. Trên thực tế, một bộ phận nhỏ người tiêu dùng dù biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do thói quen thích sử dụng hàng ngoại, hàng giá rẻ nên vẫn chấp nhận.

Các hãng mỹ phẩm chính hãng cũng cần hướng dẫn người tiêu dùng, người kinh doanh nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả để tránh thiệt hại kinh tế, phát triển doanh nghiệp cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Nhãn hàng hóa của các loại mỹ phẩm phải rõ ràng, sắc nét, không lem nhem, mờ nhòe. Người tiêu dùng nên chọn mua mỹ phẩm ở những siêu thị, cửa hàng uy tín. Nếu mua mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử cần lựa chọn các cửa hàng chính hãng, không nên mua mỹ phẩm qua mạng xã hội bởi việc truy xuất nguồn gốc, thông tin hạn chế.

Quy định về ghi nhãn phụ đối với mỹ phẩm nhập khẩu

Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau: Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Ngoài ra, nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

Như vậy, trong trường hợp mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam nếu trên nhãn gốc chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc các nội dung của sản phẩm bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ. Nội dung ghi trên nhãn phụ phải được dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và thể hiện những thông tin phản ánh tính chất đặc trưng riêng cho từng loại sản phẩm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang