Thái Nguyên: Hàng loạt sản phẩm kẹo, mỹ phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt bị tịch thu
Đà Nẵng: Phát hiện 3.250 bộ quần áo có dấu hiệu nhập lậu tại một kho hàng
Phát hiện, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử và phụ kiện nhập lậu
Đường nhập lậu, không đảm bảo tiêu chuẩn: Nguy cơ hiện hữu với thị trường và người tiêu dùng
Thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên khâu lưu thông, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã đồng loạt tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với 02 phương tiện vận tải gồm xe ô tô tải thùng kín nhãn hiệu HYUNDAI do ông N.T.Đ là lái xe kiêm chủ hàng, có địa chỉ tại phường Phố Cò, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên và xe ô tô tải thùng kín, nhãn hiệu KIA do ông Đ.V.H có địa chỉ tại xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn là lái xe kiêm chủ hàng.
Tại thời điểm khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện tại phần thùng xe ô tô tải thùng kín nhãn hiệu HYUNDAI do ông N.T.Đ là lái xe kiêm chủ hàng có 1.902 đơn vị sản phẩm kẹo dẻo và kẹo mút do nước ngoài sản xuất, có tổng trị giá 5.540.000 đồng. Cùng đó, tại phần thùng xe ô tô tải có thùng kín, nhãn hiệu KIA do ông Đ.V.H là lái xe kiêm chủ hàng có 83 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm gồm kem ủ tóc, dầu gội đầu và tẩy tế bào chết do nước ngoài sản xuất, có tổng trị giá 11.760.000 đồng.
Lượng lớn kẹo dẻo, kẹo mút do nước ngoài sản xuất nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên
Toàn bộ số hàng hóa vi phạm phát hiện trên 02 phương tiện vận tải nêu trên đều do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Tại thời điểm khám, ông N.T.Đ và ông Đ.V.H là chủ hàng kiêm lái xe đều không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tài liệu gì liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa trên. Theo các quy định của pháp luật, toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên là hàng hóa nhập lậu.
Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành 02 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.T.Đ và ông Đ.V.H với tổng số tiền phạt là 16.000.000 đồng về hành vi vi phạm “kinh doanh hàng hóa nhập lậu”, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm hành chính có tổng trị giá 17.300.000 đồng nêu trên theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định, hành vi nhập lậu hàng hóa là bánh kẹo để bán cho người tiêu dùng có thể bị phạt hành chính tùy theo số lượng hàng hóa. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi nhập lậu hàng hóa là bánh kẹo để bán cho người tiêu dùng còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc tiêu hủy toàn bộ bánh kẹo đã nhập lậu. Đồng thời, còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi nhập lậu hàng hóa là bánh kẹo để bán cho người tiêu dùng.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5908 : 2009 về kẹo
Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5908 : 2009 về kẹo do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố thì nguyên liệu đường sản xuất kẹo phải phù hợp với TCVN 7968 : 2008. Các nguyên liệu khác như sữa bột, bột mì, bột cacao, dầu thực vật v.v..: đáp ứng các yêu cầu để dùng làm thực phẩm theo các tiêu chuẩn tương ứng. Giới hạn tối đa các chất nhiễm bẩn như kim loại nặng, độc tố nấm mốc theo quy định hiện hành. Việc ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành và TCVN 7087 : 2008 (CODEX STAN 1-2005).
Đối với viên kẹo dẻo thì yêu cầu cảm quan phải có hình nguyên vẹn không bị biến dạng, trên mỗi viên kẹo được tẩm đều bột áo, trong cùng một gói kích thước các viên kẹo tương đối đồng đều. Kẹo được đóng gói trong bao bì chuyên dùng cho thực phẩm. Kẹo được bảo quản ở nơi khô, mát, tránh ánh sáng mặt trời, đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Kẹo được vận chuyển bằng các phương tiện khô, không có mùi lạ làm ảnh hưởng đến sản phẩm. Ngoài ra do kẹo mềm, kẹo dẻo là một trong những mặt hàng thuộc quản lý của Bộ Y tế, chính vì vậy, khi lưu hành sản phẩm ra thị trường cần phải có giấy chứng thực công bố chất lượng sản phẩm kẹo mềm hoặc kẹo dẻo.
An Dương