Hành vi tự ý khai thác cát trái phép sẽ bị xử phạt thế nào?

author 15:18 20/03/2017

(VietQ.vn) - Hành vi khai thác cát trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu có dấu hiệu hình sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sự kiện: Tư vấn pháp luật vietq

Độc giả Trịnh Xuân Gia (Bắc Ninh): Gần đây, báo chí liên tục phản ảnh về tình trạng khai thác cắt trái phép, tôi xin hỏi hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào?

Hành vi tự ý khai thác cát trái phép sẽ bị xử phạt thế nào?

 Hành vi khai thác cát trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu có dấu hiệu hình sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh họa

Trả lời:

Cát là một loại khoáng sản dùng để làm vật liệu xây dựng thông thường, nếu khai thác cát mà không được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, hoặc thuộc trường hợp không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mà không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì đó là hành vi khai thác cát trái phép (Điều 64 Luật Khoáng sản 2010).

Hành vi khai thác cát trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu có dấu hiệu hình sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Áp dụng pháp luật về hành chính:

Điều 34 Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó, cụ thể: a) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng khoáng sản sau khai thác để cho, tặng người khác; b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được sử dụng cho xây dựng công trình đó.

Thủ tục mua bán đất gồm những giấy tờ gì?(VietQ.vn) - Về hồ sơ mua bán đất, 2 bên mua bán đều cần chuẩn bị chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Riêng bên bán cần phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư nhưng sản phẩm khai thác không sử dụng để xây dựng công trình đó, cụ thể: a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem sử dụng cho dự án, công trình khác; b) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khoáng sản sau khai thác đem bán cho tổ chức, cá nhân khác.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 34 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản nhưng không sử dụng để xây dựng công trình của hộ gia đình, cá nhân hoặc xây dựng công trình của tổ chức đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

Nếu vi phạm các quy định khác trong khai thác khoáng sản có thể bị phạt tiền đến 160.000.000 đồng (Điều 37 Nghi định 142/2013).

- Áp dụng pháp luật về hình sự.

Thông thường vụ việc được giải quyết bằng các hình thức xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên, nếu mức đọ vi phạm rất lớn, có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì rất có thể khai thác trái phép cát sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 172 Bộ luật Hình sự 1999, sđbs 2009 quy định tội: “Vi phạm các quy định về nghiên cứu thăm dò, khai thác tài nguyên môi trường”, theo đó: Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Luật sư Trịnh Anh Dũng

Văn phòng luật sư Trịnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang