Hợp chất tồn tại trong chai nhựa, mỹ phẩm có thể làm tổn thương gan vĩnh viễn

author 06:21 30/04/2022

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu tại Mỹ cho rằng, hóa chất trong chai nhựa, mỹ phẩm có thể làm tổn thương gan vĩnh viễn.

Hợp chất PFAS có thể làm tổn thương gan 

Theo các chuyên gia tại Đại học Nam California, hợp chất PFAS vốn được dùng trong sản xuất chai nhựa, mỹ phẩm, có thể khiến gan nhiễm mỡ, gây tổn thương vĩnh viễn cơ quan này. Nghiên cứu mới được công bố ngày 27/4 trên tạp chí Environmental Health Perspectives. Phát hiện này góp phần chứng minh các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl, còn được gọi là PFAS, có thể liên quan tới nhiều bệnh lý nguy hiểm ở người.

Nghiên cứu do nhóm chuyên gia Đại học Nam California, Mỹ thực hiện, xem xét bằng chứng gây tổn thương gan của hợp chất PFAS trên loài gặm nhấm và con người.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm chuyên gia tại Mỹ xem xét dữ liệu từ hơn 100 công trình khác. Họ phát hiện mức độ PFAS trong cơ thể và nồng độ enzyme alanine aminotransferase (ALT) tỷ lệ thuận với nhau. Đây là enzyme do gan sản xuất, nồng độ ALT cao cảnh báo gan đang bị tổn thương.

 Hợp chất có trong chai nhựa, mỹ phẩm có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.

Tiến sĩ Sarah Rock, Đại học Nam California cho biết nhóm của bà cũng tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc tiếp xúc PFAS nhiều hơn với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Đây là bệnh đặc trưng bởi sự tích tụ chất béo trong gan không do uống rượu mạn tính. Bệnh thường phát triển âm thầm với triệu chứng điển hình là mệt mỏi, đau bụng.

Khi chất béo tích tụ quá nhiều trong gan sẽ gây viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH). Những người bị NASH sau đó dễ phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng như sẹo vĩnh viễn, xuất huyết nội và suy gan hoàn toàn.

Tỷ lệ gan nhiễm mỡ, viêm gan không do rượu tại Mỹ và các nơi khác tăng cao trong những thập kỷ gần đây. Các phát hiện này cho thấy phơi nhiễm mạn tính với hợp chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl có thể là nguyên nhân gây ra sự gia tăng này. Tuy nhiên, việc nghiên cứu bệnh viêm gan không do rượu rất khó khăn và tốn kém. Đến nay, rất ít nghiên cứu ở người nhằm tìm ra liệu PFAS có thể là yếu tố góp phần gây nên tình trạng này hay không.

Ngoài ra, mức enzyme ALT cao ở người cũng có thể là dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ. Các nghiên cứu khác đã phát hiện mối liên hệ giữa PFAS và những vấn đề khác như cholesterol trong máu cao. Các tác giả đã phân lập được ba chất PFAS, gồm axit perfluorooctanoic (PFOA), perfluorooctane sulfonate (PFOS) và axit perfluorononanoic (PFNA). Chúng đều có liên quan các dấu hiệu tổn thương gan.

Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu này là khó để phân tách tác động tiêu cực đến sức khỏe của hóa chất PFAS nói chung và nhiều hóa chất khác. Bởi mỗi ngày, con người tiếp xúc hàng nghìn hóa chất khác nhau. Điều đó gây khó khăn cho việc xác định những thứ nào đang gây hại cho chúng ta và cách chúng xâm nhập vào cơ thể. Dù vậy, nghiên cứu này đã phát hiện điều quan trọng đó là hợp chất PFAS là mối đe dọa tiềm tàng và cần phải điều tra sâu hơn nữa.

Hợp chất PFAS có mặt ở khắp nơi và hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn khác

PFAS là những chất hóa học không có trong tự nhiên. Những hỗn hợp nhân tạo này đã xuất hiện ở Mỹ từ những năm 1940. Trong suốt thời gian tồn tại của mình, PFAS được coi là an toàn và do đó được tìm thấy trên nhiều loại sản phẩm. Chúng ta đã trải qua một chặng đường dài để hiểu nhưng đáng buồn là chúng vẫn có thể được quan sát thấy trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Người tiêu dùng có thể tìm thấy hóa chất PFAS trong các sản phẩm chống dính, chẳng hạn như Teflon. Nhiều nồi và chảo được sản xuất với lớp phủ Teflon, có thể nhanh chóng tiếp xúc với con người khi nấu ăn. Các đồ gia dụng khác như sáp và sơn cũng có thể chứa PFAS.

PFAS là thành phần có trong hộp đựng thực phẩm, chai nhựa, mỹ phẩm, thuốc tẩy, vải không thấm nước... Do đặc tính không phân hủy sinh học nên nó được dùng để nhuộm, bôi trơn trong sản phẩm tiêu dùng như dệt may, giấy, đóng gói thực phẩm. PFAS được sản xuất và sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu từ những năm 1940.

Tuy nhiên, có lẽ phần nguy hiểm nhất của PFAS là chúng có thể dễ dàng tích tụ trong nguồn cung cấp nước. Một nhà sản xuất hoặc trung tâm xử lý chất thải có thể đưa PFAS vào nước ngầm mà không hề hay biết, cộng đồng địa phương sẽ rất khó biết về nó cho đến khi quá muộn.

Những hợp chất này được sử dụng phổ biến khi hỏa hoạn, các sân bay có khá nhiều bề mặt đất để hóa chất thấm vào. Hơn nữa, việc sử dụng nhiều lần hóa chất của một sân bay sẽ chỉ cho phép tích tụ liên tục, vì PFAS không bị phá vỡ theo thời gian.

Hợp chất này rất bền trong môi trường và cơ thể người, không bị phá vỡ và sẽ tích lũy theo thời gian. Do đó, chúng tồn tại ở khắp mọi nơi trong môi môi trường và thường được gọi là “hóa chất vĩnh viễn”. Nó xuất hiện ở môi trường cư trú của các sinh vật sống, con người và động vật hoang dã. Sự phổ biến này đến mức các nghiên cứu có thể phát hiện PFAS trong cơ thể các nhóm này bất cứ khi nào.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện hợp chất này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tháng 11/2018, trong Tuần lễ Thận học ở Mỹ, một nghiên cứu công bố kết quả cho thấy hợp chất PFAS có trong môi trường sống bị ô nhiễm gây hại cho thận.

Thận là cơ quan rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, nhất là với các độc chất từ môi trường. Các chất này đi vào máu và được lọc qua thận. Các nhà khoa học phát hiện có mối liên hệ chặt chẽ giữa PFAS và các bệnh lý thận như suy giảm độ lọc cầu thận, tổn thương ống thận và ung thư thận. Trẻ em dễ bị tổn thương thận do PFAS hơn so với người lớn. Các nghiên cứu trước đây cho thấy PFAS ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây bệnh lý ung thư, bệnh lý tuyến giáp, tăng cholesterol máu, tác dụng trên hệ miễn dịch và trẻ sơ sinh bị nhẹ cân.

Để hạn chế nguy hại từ PFAS, chúng ta cần giữ gìn sạch sẽ môi trường sống, không thải chất độc hại dùng trong công nghiệp, nông nghiệp chưa qua xử lý vào môi trường. Ngoài ra, người tiêu dùng nên xem kỹ nguồn gốc sản xuất của sản phẩm, bao bì đóng gói, hạn chế tiếp xúc hợp chất này qua các sản phẩm như thực phẩm đóng gói, vải không thấm nước, đồ dùng không dính như Teflon, chất đánh bóng, sáp, các loại sơn…

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang