Hợp tác nhà nước- viện trường - doanh nghiệp: Đòn bẩy cho phát triển và đổi mới lĩnh vực công nghệ
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Lễ bế giảng Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch kết hợp Tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn” diễn ra ngày 9/8/2024 tại Hà Nội.
Sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Cadence, Tập đoàn FPT và tổ chức Tresemi, Hoa Kỳ tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam xác định ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn
Đến năm 2030 đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn
Chương trình “Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản” là khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi từ Silicon Valley, và Tập đoàn Cadence số một thế giới về thiết kế chip, cùng sự hỗ trợ của các trường Đại học trong lĩnh vực bán dẫn.
Lễ bế giảng chương trình “Thiết kế Vật lý Vi mạch tích hợp quy mô lớn Cơ bản” đã chính thức khép lại khóa học kéo dài ba tháng.
Khóa học tập trung vào quy trình và nguyên tắc thiết kế vật lý cho vi mạch tích hợp quy mô lớn, bao gồm các kỹ năng tối ưu hóa định thời, diện tích, năng lượng tiêu thụ, độ tin cậy và tính khả thi sản xuất của vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, học viên sẽ có kiến thức thực tế chuyên sâu về việc sử dụng các công cụ EDA chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế và phân tích vật lý vi mạch. Đối tượng tham gia chủ yếu là sinh viên năm cuối các trường đại học khối kỹ thuật trên cả nước.
Chương trình đào tạo tuyển chọn được hơn 70 học viên xuất sắc từ các trường đại học lớn trên cả nước để cấp học bổng và tham gia chương trình đào tạo. Theo đánh giá của các chuyên gia, các học viên tốt nghiệp chương trình đều có thể tham gia hoạt động tại doanh nghiệp. Hiện đã có gần 20 học viên được nhận làm việc tại các tập đoàn doanh nghiệp thiết kế lớn về thiết kế vi mạch như Marvell, Synopsys, FPT, Faraday, Samsung,...
Trong đó, có các bạn học viên đang là sinh viên năm ba đại học và phần lớn các học viên còn lại đã được nhận các chương trình học bổng để tiếp tục đào tạo tại nước ngoài sau đại học.
Theo thông tin từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho thấy, với mỗi mô hình đào tạo kết hợp giữa ba Nhà: Nhà nước (bao gồm các cơ quan trung ương và địa phương) - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp như thế này, mỗi năm có thể đào tạo được khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch.
Như vậy, nếu nhân rộng mô hình này tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm sẽ có thể đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng. Đến năm 2030, chúng ta có thể đào tạo được ít nhất là 25.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Điều này cho thấy, mục tiêu đến năm 2030 chúng ta sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn là hoàn toàn khả thi.
Đánh giá về khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Cùng với đó, NIC đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều khóa đào tạo với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ như Qorvo, Cadence, ARM, Siemens, Google, Samsung, FPT, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Silicon Valley (Hoa Kỳ).
“Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh .
Hợp tác ba Nhà: đòn bẩy phát triển và đổi mới lĩnh vực công nghệ
Trong khuôn khổ sự kiện, cũng diễn ra Tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”.
Tọa đàm là kết quả từ sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 Nhà: Nhà nước (bao gồm các cơ quan trung ương và địa phương) - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, Nhà trường đóng vai trò trung tâm, doanh nghiệp đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tại tọa đàm, lãnh đạo các địa phương, trường đại học và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những thách thức hiện tại, và đề xuất những chiến lược hợp tác hiệu quả.
Nội dung tọa đàm tập trung vào việc làm thế nào để doanh nghiệp có thể đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho nguồn nhân lực, từ việc đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo, đẩy mạnh hợp tác công - tư, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, doanh nghiệp cung cấp các chương trình thực tập, hợp tác nghiên cứu phát triển, đến việc xây dựng môi trường làm việc và tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp thuận lợi.
Sự kiện cũng là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau từng bước thúc đẩy và đa dạng hóa hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế và công nghệ của đất nước.
Tọa đàm và Lễ bế giảng thành công tốt đẹp, mở ra một chương mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quảng- Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ, trong đó, tập trung vào ba nhóm giải pháp: xây dựng các cơ sở pháp lý tạo ra chính sách thu hút đầu tư; chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Ông Vũ Hải Quân- Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM- khẳng định, việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết. Sự tham gia và hợp tác này giúp nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học viên sau khi tốt nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình hợp tác như hiện nay giữa NIC và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, FPT và các trường đào tạo, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cần được nhân rộng.
Theo ông Trương Gia Bình- Chủ tịch FPT, yếu tố then chốt giúp tăng cường hợp tác giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa ba bên.
Cụ thể, cần có cơ chế rõ ràng để chia sẻ thông tin, nguồn lực và kinh nghiệm giữa các bên liên quan. Ngoài ra, ông Bình cũng đánh giá cao vai trò của việc xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp bán dẫn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc các sinh viên, kỹ sư trẻ sau khi tốt nghiệp khóa học sẽ tham gia vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành, được các công ty công nghệ, trong đó có FPT lựa chọn để làm việc theo chuyên môn được đào tạo là minh chứng rõ ràng cho thấy kết quả của mô hình liên kết “nhà nước- viện trường - doanh nghiệp” trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Sự hợp tác giữa Chính phủ - Viện, Trường - Doanh nghiệp chính là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Lê Kim Liên