Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung thế nào sau sự kiện Hải Dương 981?

author 06:31 28/12/2014

(VietQ.vn) - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và Dịch vụ (Tổng Cục thống kê) đã đưa ra nhiều số liệu liên quan đến kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong và sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2014 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức chiều 27/12, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%, quý II tăng 5,34%, quý III tăng 6,07% và quý IV tăng 6,96%.

bà lê thị minh thủy

Bà Lê Thị Minh Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và Dịch vụ - Tổng Cục thống kê. Ảnh Viết Cường

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về ảnh hưởng của nền kinh tế Việt Nam trong và sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa Việt Nam (1/5/2014), bà Lê Thị Minh Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và Dịch vụ (Tổng Cục thống kê) cho biết, theo ghi nhận của Tống cục thống kê, vào tháng 6/2014, kim ngạch xuất nhập khẩu có giảm so với tháng 5. Tuy nhiên, tháng 7, tháng 8 thì kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng. Đến tháng 9, tháng 10 có sự sụt giảm nhưng không đáng kể do cung cầu trên thị trường có sự thay đổi. Và đến cuối năm 2014 thì tăng trưởng về xuất nhập khẩu của Việt Nam rất ấn tượng, xuất khẩu tăng 13,6% và nhập khẩu tăng 12,1%.

“Riêng đối với thị trường Trung Quốc thì xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng đều. Năm 2013 nhập siêu xấp xỉ 24 tỉ đô la, năm 2014 nhập siêu từ thị trường Trung Quốc là 28,8 tỉ đô la. Như vậy có thể khẳng định, nhập siêu từ Trung Quốc vẫn khá ổn định”, bà Thủy phân tích.

Theo nhận định của Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và Dịch vụ, trong những năm tiếp theo, nhập khẩu hàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là đối với ngành gia công, lắp ráp, điện tử, dệt may, giày dép từ Trung Quốc sẽ chiếm tỉ trọng rất lớn.

Bà Thủy cho rằng, đây thực sự là thách thức lớn đối với Việt Nam. Bởi trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có định hướng giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, để có được nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trong nước thì đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn nên cần có lộ trình./.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang