Kinh doanh thực phẩm bẩn có thể xử lý hình sự

author 09:52 19/01/2016

Mọi hành vi khi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm đều có thể bị xử lý hình sự. Việc tuồn rau bẩn hoặc sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm bẩn cũng vậy.

Quan trọng là việc xác minh, điều tra các hành vi cụ thể để có thể áp luật được chính xác. Đó là ý kiến của các chuyên gia pháp lý khi luận bàn về câu chuyện kinh doanh thực phẩm bẩn.

Ảnh minh họa

Cần bóc tách từng hành vi cụ thể

Trao đổi với PV Tiền Phong về hành vi tuồn rau bẩn vào các trường học, luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, trước hết, đây là một việc làm sai trái, rất đáng lên án, tạo ra luồng dư luận lo ngại, hoang mang trong nhân dân. Bàn về các chế tài xử lý, luật sư Toàn phân tích, đó là chuỗi các hành vi từ khâu nuôi trồng, sản xuất, vận chuyển và kinh doanh, do vậy, cần bóc tách từng giai đoạn, từng khâu, từ đó mới có thể đưa ra các chế tài.

“Nếu người vi phạm từ giai đoạn nuôi trồng, có thể là hành vi sử dụng các chất cấm, gây tổn hại đến sức khoẻ như các chất kích thích tăng trưởng, tạo màu, mùi… Rồi đến khâu vận chuyển. Đây là quá trình có thể các chất bẩn xâm nhập vào thực phẩm do vô ý hoặc cố ý, trong đó có việc không vận chuyển theo đúng quy trình an toàn. Rồi đến hành vi kinh doanh. Ở đây, cơ quan chức năng có thể xem xét hàng loạt dấu hiệu liên quan, như có hay không giấy phép kinh doanh, loại thực phẩm có hay không nguồn gốc xuất xứ, có hay không đảm bảo an toàn cho người sử dụng”, ông Toàn nói.

Luận bàn về nội dung này, luật sư Nguyễn Tiến Trung (Giám đốc Cty luật Trung Nguyễn, Hà Nội) bổ sung, bóc tách hành vi là việc làm đầu tiên, song, cái khó chính là xác định tính nhân - quả. Nghĩa là, cứ cho đã làm rõ được chuyện nuôi trồng sai quy trình, sử dụng chất cấm có thể tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng phải làm rõ mức tổn hại là bao nhiêu, lượng chất cấm hàm lượng ra sao, rồi sử dụng trong bao lâu, lượng như nào thì bị ảnh hưởng.

Truy cứu ở nhiều hành vi

Nói đến các chế tài có thể áp dụng trong hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, từ khâu nuôi trồng, sản xuất, vận chuyển và kinh doanh đều chứa đựng các yếu tố vi phạm pháp luật và có thể áp dụng ở nhiều tội danh khác nhau.

Theo bà Nga, việc sử dụng các loại hàng giả, hàng cấm dùng trong nuôi trồng có thể áp dụng Điều 155 hoặc Điều 158 Bộ luật Hình sự quy định về  hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi. Ở tội danh này, có thể bị truy cứu đến 15 năm tù.

Nói thêm về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, luật sư Toàn khẳng định, ngoài việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, những hoạt động cố tình đưa chất cấm vào nuôi trồng, hoặc sản xuất các loại thực phẩm không an toàn đã xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, gây ra những xáo trộn, thậm chí mất niềm tin đối với khách hàng khi sử dụng các loại thực phẩm. Hành vi này có thể xem xét đến tội danh kinh doanh trái phép, quy định ở Điều 159 Bộ luật Hình sự, nếu cơ sở này không đảm bảo yếu tố giấy phép kinh doanh theo luật định, hoặc, đó là tội danh Lừa dối khách hàng quy định ở Điều 162 Bộ luật Hình sự khi cố tình đưa ra các thông tin sai lệch, với các hành vi gian lận thương mại.


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang