Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt 6%
Tiền Giang: Tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử
TP. Hồ Chí Minh: Kiểm tra loạt cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố
Tiền Giang: Tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử
Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Nhận định được ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB đưa ra mới đây. Trước đó, ngân hàng Singapore đã dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay ở mức 6%, tương tự các tổ chức khác như IMF, ADB, và Standard Chartered.
Chưa điều chỉnh dự báo nhưng ông Suan Teck Kin cho rằng triển vọng vượt 6% nhờ hiệu suất của các ngành như sản xuất, điện tử, đồ nội thất và ôtô đang tích cực. Bất chấp một số thách thức toàn cầu như lãi suất cao và nhu cầu chậm lại ở các thị trường phát triển, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất ở châu Á, cho thấy sự mở rộng liên tục.
"Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam rất hứa hẹn cho cả năm 2024 và 2025, đặc biệt là khi so sánh với mức tăng trưởng chậm hơn là 5% vào năm 2023", ông Suan Teck Kin nêu. Đầu tuần này, World Bank cũng nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay lên mức 6,1% từ mức cũ 5,5%. HSBC đang đưa ra dự báo lạc quan nhất, ở mức 6,5% trong khi Chính phủ phấn đấu đạt 7%.
Nửa đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,4%, chủ yếu nhờ vào các ngành sản xuất, công nghiệp và dịch vụ tích cực. Theo chuyên gia UOB, thương mại của Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể, đặc biệt là xuất khẩu và nhập khẩu, vượt qua mức giảm trong năm 2023.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn mạnh mẽ, với hai năm liên tiếp đạt mức cao kỷ lục. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện đạt 13 tỷ USD, chủ yếu từ Singapore, Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Nhật Bản. Xu hướng này cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào khả năng cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam, theo UOB.
Ngành bán lẻ dần phục hồi trên nhiều phân khúc khác nhau. Du lịch quốc tế thu hút gần 10 triệu lượt khách, tính đến tháng 7. Nhà băng này dự báo khách ngoại có thể không đạt đỉnh trước Covid là 18 triệu lượt nhưng triển vọng tốt do các điều kiện kinh tế thuận lợi như lãi suất thấp và tâm lý tiêu dùng cải thiện.
Theo dự báo của UOB, tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay dự báo 6% và có triển vọng vượt con số này.
Ông Suan Teck Kin cho rằng lạm phát vẫn đáng quan tâm khi CPI tháng 7 tăng 4,36% so với cùng kỳ năm ngoái, gần với mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Lạm phát cơ bản, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đang giảm, nhưng lạm phát toàn phần bị thúc đẩy bởi giá thực phẩm và nhà ở tăng.
Chuyên gia dự báo lạm phát tại Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 4% cho đến cuối năm và tỷ giá đã giảm nên ít khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất. Tiền đồng đã bắt đầu tăng giá trở lại mức mạnh hơn là 25.000 đồng đổi một USD. Trong tương lai, VND dự kiến tăng giá dần dần lên mức 24.100 đổi một USD vào quý II/2025.
Trong khi đó, Ngân hàng HSBC dự báo, Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01 đưa ra hồi đầu năm là 6%. Như vậy, với mức tăng trưởng này, Việt Nam đã vươn lên để trở thành nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Ở vị trí thứ hai và ba lần lượt là Philippines và Malaysia với GDP lần lượt tăng 6,3% và 5,9%.
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam đã tăng lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây gần như là mức cao nhất trong hai năm đổ lại đây, vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%.
Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng. Lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này cũng được phản ánh qua tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của quý II, đạt 15% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sự phục hồi chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng điện tử, song các ngành hàng khác cũng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024, nếu tình hình phục hồi tiếp tục lan rộng. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023”, bà Yun Liu cho biết.
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có khả năng sẽ dẫn đầu khu vực (cùng với Philippines) với mức tăng GDP 6,0% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của cả nhập khẩu và xuất khẩu và sự hồi phục của nhu cầu nội địa khi chính sách tiền tệ vẫn duy trì ở mức nới lỏng.
Ngoài ra, tăng trưởng được hỗ trợ bởi các biện pháp tài khóa như việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng và các nỗ lực để thực hiện tốt hơn đầu tư công.
Theo sau là Indonesia với mức tăng trưởng dự báo sẽ đạt 5% trong năm 2024. Tiếp theo là Malaysia, Thái Lan và Singapore, với mức tăng trưởng được dự báo lần lượt là 4,5%, 2,6% và 2,4% trong năm nay.
Cũng phát hành trong tháng 7, báo cáo mới nhất của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã điều chỉnh mức tăng trưởng của Việt Nam lên 6,3% năm 2024, cao hơn 0,3 điểm % so với dự báo 6% hồi tháng 4 vừa qua và là mức cao nhất trong số các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2024.
Phương Nam