Tiền Giang: Tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử

author 10:21 31/08/2024

(VietQ.vn) - Trong khuôn khổ Kế hoạch công tác về thương mại điện tử năm 2024 của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Mới đây, Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT Tiền Giang đã thực hiện giám sát và phát hiện hai cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook để kinh doanh các mặt hàng điện tử và điện lạnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cá nhân sử dụng mạng xã hội để bán hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ảnh: Cục QLTT Tiền Giang

Sau khi thu thập và xác minh thông tin về các cơ sở kinh doanh này, vào ngày 23 và 27/8/2024, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại hai cửa hàng trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Kết quả kiểm tra cho thấy, cả hai cơ sở đều kinh doanh các mặt hàng như tivi, tủ lạnh, máy giặt mà không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vi phạm quy định về việc đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Trước những vi phạm này, Đội QLTT số 5 đã hoàn chỉnh hồ sơ và ban hành Quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 15 triệu đồng.

Lực lượng chức năng làm việc trực tiếp tại cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT Tiền Giang

Ngoài việc xử lý vi phạm, Đoàn kiểm tra còn tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tuân thủ đúng quy định pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. 

Trong 8 tháng đầu năm 2024, Đội QLTT số 5 đã tổ chức kiểm tra và xử lý 13 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thu phạt hơn 170 triệu đồng. Các vi phạm bao gồm kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, và không thông báo website thương mại điện tử với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật sư Nguyễn Đình Hiệp từ Công ty Luật TNHH Hoanganh IBC cho biết, bán hàng online thông qua các nền tảng như Facebook, TikTok, hoặc các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, đều được xem là hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận và cần tuân thủ các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh và thuế. Theo Luật Quản lý thuế 2019, người bán phải đăng ký với cơ quan thuế trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu kinh doanh. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với các khoản phạt liên quan đến chậm đăng ký kinh doanh và kê khai thuế.

Luật sư Hiệp cũng lưu ý rằng, không phải mọi cá nhân kinh doanh online đều phải nộp thuế. Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, những người có doanh thu dưới 100 triệu đồng một năm sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc đăng ký kinh doanh vẫn cần thiết để tránh các rắc rối pháp lý không đáng có.

Năm 2023, doanh thu thuế từ kênh thương mại điện tử đã đạt 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146 tỷ USD), với số thuế đã nộp lên đến 97.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Để tăng cường quản lý, ngành thuế đã thực hiện nhiều biện pháp, bao gồm kết nối và chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành liên quan, nhằm giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ của hình thức livestream bán hàng trên các nền tảng như TikTok và Shopee, nguy cơ thất thu thuế vẫn là một thách thức lớn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ các quy định sửa đổi liên quan đến áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, nhằm tăng cường quản lý và thu thuế từ hoạt động này.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang