Tìm hiểu cách trồng và chăm sóc cây ‘bạc tỷ’ mang tên mắc ca

author 06:37 03/03/2015

(VietQ.vn) – Cây Mắc – ca là loài cây đang được trồng ở nhiều nơi do có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam. Tuy nhiên, để có năng suất cao, người nông dân cần thực hiện nghiêm ngặt nhiều kỹ thuật trồng cây.

Sự kiện: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa

Loài cây có giá trị kinh tế cao

Cây Macadamia (người dân thường gọi là cây Mắc-ca) đòi hỏi kỹ thuật trồng cây khá phức tạp. Macadamia là tên gọi chung cho 9 loài cây thuộc chi Macadamia, họ Chẹo thui (Proteaceae); trong đó hai loài cây có giá trị thương mại là M. integrifolia Maiden & Betche và M.tetraphylla. L. Johnson.

Đây là loài cây thân gỗ thường xanh, cao đến 15-18m; lá mọc vòng mỗi cụm 3 lá, cứng, thuôn hình mác ngược, dài 10-30cm; rễ chùm, chịu được hạn; hoa có màu trắng sữa; quả thuộc nhóm quả hạch, tròn có vỏ cứng, đường kính 2,5 - 4cm (khoảng 120 - 137 hạt/kg); hạt có vỏ cứng dày 2-5mm, tỷ lệ nhân 30 - 50 %.

Kỹ thuật trồng cây Mắc ca yêu cầu sự tỉ mỉ

Kỹ thuật trồng cây Mắc ca yêu cầu sự tỉ mỉ

Hạt Mắc-ca có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon, đặc biệt thích hợp trong chế biến thực phẩm. Nhân hạt có mùi thơm nhẹ, có thể dùng làm nhân bánh ngọt, nhân chocolate, kem, bánh hộp, hoặc ăn trực tiếp ở dạng đồ hộp, rất được ưa chuộng ở Mỹ, châu Âu.

Hạt Mắc-ca được đánh giá rất cao và được xem là rất tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, loại hạt này được gọi là “hoàng hậu” trong các loại hạt và đắt nhất thế giới. Ở Việt Nam, hạt Mắc-ca hiện có giá hơn 50 nghìn đồng/kg cả vỏ.

Phương pháp đào hố  trước khi trồng

Để thu hoạch được nhiều hạt mắc ca, người trồng cần tuân thủ một số kỹ thuật trồng cây cần thiết

Để thu hoạch được nhiều hạt mắc ca, người trồng cần tuân thủ một số kỹ thuật trồng cây cần thiết

Vì cây Mac ca là loài cây cho thu hoạch hạt lâu năm, vì vậy việc đào hố kích thước lớn sẽ giúp cây có bộ rễ chắc khỏe khi cây còn non là rất cần thiết. Các chuyên gia khuyến cáo người trồng nên đào hố có kích thước rộng 70cm và sâu 70 cm và để phơi nắng 2 tuần nhằm diệt bớt các vi khuẩn có hại.

Phương pháp chọn hướng

Nếu muốn trồng trên đất bằng, người dân nên trồng hàng cây theo hướng Bắc – Nam để cây dẽ dàng đón nhận ánh sáng mắt trời được nhiều nhất, tăng khả năng quang hợp ánh sáng cho cây. Nếu trồng trên triền đồi dốc , người nông dân nên trồng hàng cách hàng theo đường đồng mức. Ngoài ta, tùy theo độ dốc người trồng xác định khoảng cách giữa các hàng có thể 9 m-10 m .

Phương pháp bỏ phân bón lót

Trước khi trồng cây vào hố 01 tháng, người trồng nên đào hố và trộn lớp đất mặt cùng với 10 kg phân chuồng ủ hoai ; 01 kg phân Lân nung chảy ; 300 gram vôi bột . Sau đó, người nông dân cần lấp 1 lớp đất lại hố.

Phương pháp trồng cây

Trước tiên, người trồng rạch túi bầu, kiểm tra bộ rễ. Nếu rễ quá dài xuyên qua khỏi tui bầu thì người nông dần cần cắt sát tới bàu đất, cây sẽ tự mọc ra rễ mới. Sau đó, người trồng cần đào hố và trồng âm xuống đất 10 cm và lấp đất lại. Việc dùng chân giẫm nhẹ xung quanh bầu cây nhằm cố định cây không bị nghiêng ngả do gió lớn hoặc mưa xuống gây sụt lún. Trong trường hợp vùng có nhiều gió, người nông dân nên cố định cây đứng thẳng bằng cách cắm cọc tre ngược với hướng gió.

Phương pháp bón phân sau khi trồng

Người bón phân cần căn cứ vào tình hình thổ nhưỡng qua phân tích đất hoặc qua mầu sắc của lá có dấu hiệu khác thường để quyết định bón phân loại phân nào, khối lượng bao nhiêu và vào thời điểm nào. Nguyên tắc chung là bón phân NPK nhiều đợt trong năm với số lượng vừa đủ, không nên bón quá nhiều cùng một lúc. Trong 2 năm đầu, người trồng chỉ cần bón 100 gram NPK / cây/năm. Khi cây 03 tuổi, người chăm nên bón  350 – 400 gram NPK/cây / năm.

Việc bón phân cho cây là yêu cầu tối thiểu nhất

Việc bón phân cho cây là yêu cầu tối thiểu

Công tác bón phân, tưới nước nên tiến hành vào tháng 1 dương lịch vì đến khoảng tháng 02  cây bắt đầu ra hoa và đậu quả. Đến tháng giữa tháng 3 dương lịch, người trồng nên bón phân và tưới nước cho cây thêm một lần nữa nhằm tránh quả bị rụng non do thời điểm đó tại Tây nguyên trời thường khô hạn. Đến tháng 7, người bón phân nên  bổ sung thêm một lần phân nữa nhằm tăng tích lũy dầu trong hạt. Sau khi thu hoạch hạt, đất cần được bón thêm 5- 7 kg phân hữu cơ nhằm phục hồi và bổ xung dưỡng chất cho cây.

Phương pháp tạo tán , tỉa cành

Người tỉa cây nên giữ cho cây có 1 thân thẳng đứng, cắt bỏ các cành cao dưới 1,4m. Mỗi tán cành nên cách nhau  khoảng 70cm. Độ dài các nhánh khoảng 60 cm, chỉ nên giữ lại 2-3 chồi từ một nhánh. Nếu thực hiện đúng phương pháp tạo tán, cây sẽ cho năng suất cao và bền vững hơn.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Bệnh thối hoa: Đầu tiên, cây sẽ xuất hiện một số đốm màu vàng tối trên đài hoa, sau đó cả hoa bị khô héo, hoa bị khô rồi rụng. Trong điều kiện mưa ẩm, những bông hoa bị nhiễm bệnh sẽ biến sang mầu nâu xám đến màu đen. Vì vậy, người trồng không nên trồng cây quá dày. Cây chớm bị bệnh cần được phun ngay thuốc có hoạt chất Benomyl, Carbendazim, Thiophanate-methyl,….

Bệnh vỏ quả có nốt: Cây sẽ xuất hiện nốt màu vàng nhạt trên vỏ quả, dần biến thành màu vàng đậm rồi màu nâu lan rộng từ 5-15mm. Khi khuẩn sẽ xâm nhập vào phía trong của vỏ và chuyển vỏ sang màu nâu đen. Người trồng cây nên phun Cupric Hydroxide Cu(OH)2 77% pha loãng 300 – 800 lần, mỗi tháng 1 lần/ ba tháng.

Người trồng cần theo dõi cây để kịp thời trị bệnh

Người trồng cần theo dõi cây để kịp thời trị bệnh

Bệnh nấm hại thân cây: Bệnh hại chủ yếu trên thân cây và cành cây do hai loại nấm: dịch mao khuẩn và hai bào khuẩn mao sắc. Bệnh thường lây lan do tác động cơ giới lan truyền vào vết thương thân cây. Khi cây đã nhiễm bệnh thì lá, cành sẽ bị chết khô và dần cây cũng bị chết.

Vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên vườn cây cần được nghiêm túc thực hiện để sớm phát hiện bệnh lý. Khi thấy vết chảy nhựa trên thân cây, người chăm sóc cần dùng dao cạo hết phần vỏ bị thối sau đó dùng hóa chất như Ridomil Gold 68WP, Ridomil Mz 72WP… hòa nước liều lượng 30 - 50 gam/ lít quét nhiều lần lên vết bệnh; có thể dùng các loại hóa chất này tưới xung quanh gốc cây bị bệnh với liều lượng 30 - 50 gam/10 lít nước…

Nếu có điều kiện, người trồng nên sử dụng biện pháp tiêm trực tiếp thuốc AgriFos 400 (liều lượng 20 ml thuốc + 20 ml nước/1 lần tiêm) vào thân cây bằng dụng cụ tiêm chuyên dụng. Ngoài ra, người phun thuốc  có thể dùng loại nấm Trichoderma (liều lượng: 1 kg trộn với 40 kg phân chuồng) là loại nấm đối kháng với nấm Phytophthora (nấm gây bệnh xì mủ thối gốc ) rãi vào đất dưới tán cây.

Hạt mắc ca có giá trị kinh tế cao

Hạt mắc ca có giá trị kinh tế cao

Côn trùng: Khi cây ra hoa hoặc chồi non thường bị kiến và một số loài côn trùng như bọ xít tấn công. Người trồng cần phun phòng định kỳ, không nên phun thuốc lúc cây ra hoa. Trong giai đoạn cây ra trái non, côn trùng thường chích hút quả non làm quả có những nốt thâm và rụng.

Đồng thời, người nông dân nên đặt bẫy côn trùng có bán sẵn trên thị trường , chỉ sử dụng các chất hóa học phun lên cây khi bệnh dịch vượt ngoài tầm kiểm soát với quy mô lớn.  Đối với kiến và chuột, người trồng nên thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc cây, cắt bỏ những cành cây thấp gần mặt đất.

Ngoài ra, việc sử dụng 1 miếng nhựa hoặc kim loại rộng 12 cm, có 2 mặt nhẵn uốn quanh gốc theo hình nón cụt sẽ giúp ngăn đường đi của côn trùng. Vào trước mùa thu hoạch hạt, người dân nên dùng 1 miếng nhựa cứng, trơn, cao 60 cm ốp quanh gốc cây, cách mặt đất 50cm để ngăn chuột trèo lên cây.

Vy Vy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang