Lai Châu: Nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ

author 19:26 07/08/2024

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Lai Châu, trong công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh hàng hóa trên địa bàn các Đội QLTT trong tỉnh đã liên tiếp phát hiện các hộ kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Điển hình, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 thuộc Cục QLTT tỉnh Lai Châu tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Chu Văn Truyền có địa chỉ tại bản Gò Cứ, xã Mù Cả, huyện Mường Tè. Qua kiểm tra phát hiện tại khu chứa thực phẩm của cơ sở kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm như mỳ tôm và bánh kẹo…còn để dưới nền nhà không có giá kệ để số sản phẩm trên theo quy định của pháp luật. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, trình Đội trưởng Đội QLTT số 5 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Chu Văn Chuyền với mức xử phạt là 6 triệu đồng.

Tiếp đến, qua nắm bắt, thu thập xác minh thông tin và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ Đội QLTT số 2 đã phát hiện bà Nguyễn Thu Trang là chủ hộ kinh doanh, có địa chỉ tại tổ 3, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu sử dụng tài khoản Facebook có tên 'Like Pet Lai Châu - Phòng khám thú y - spa thú cưng' để đăng tải, quảng cáo bán hàng là thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm.

Lai Châu phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa vi phạm về nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Cục QLTT Lai Châu

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh hàng hóa gồm 20 gói thức ăn chăn nuôi nhãn hiệu vigor, 30 gói nhãn hiệu Kua Pet Food, trị giá 4,9 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất. Quá trình làm việc bà Trang không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa trên có dấu hiệu bị rách, ẩm mốc.

Đội QLTT số 2 đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Thu Trang về hành vi Kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức xử phạt 3 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Cũng qua theo dõi và xác minh Đội QLTT số 2 tiếp tục tiến hành kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh do bà Nguyễn Hoài Thanh là chủ có địa chỉ tại tổ 26, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu thực hiện đăng bài quảng cáo, bán hàng online trên mạng xã hội bằng tài khoản Facebook "Huyền Châu" có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện bà Thanh đang kinh doanh bày bán 15kg tam thất khô, có trị giá 4,5 triệu đồng, số tam thất này đựng trong túi nhựa nilong màu trắng không có nhãn hàng hóa, không có thông tin căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Quá trình làm việc, bà Nguyễn Hoài Thanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa trên bao bì đã bị rách, ẩm mốc, không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm để lưu thông trên thị trường.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Hoài Thanh về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với mức xử phạt 4 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01 - 190: 2020/BNNPTNT về thức ăn chăn nuôi- hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản

Quy chuẩn này do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn (chất không mong muốn) và quy định quản lý nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn truyền thống, thức ăn bổ sung, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc cho vật nuôi trừ thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc cho vật nuôi quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số QCVN 01-183: 2016/BNNPTNT. Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản của tổ chức, cá nhân phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại quy chuẩn này. Trước khi lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản; hộ kinh doanh (sản xuất, mua bán, sơ chế) không phải công bố hợp quy đối với thức ăn truyền thống thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang