Lại hụt tiền để tăng lương

author 07:29 10/10/2014

Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách 2015 ưu tiên chi cho quốc phòng an ninh và trả nợ, chưa bố trí được nguồn để tăng lương cơ sở


Ngày 9-10, trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về các báo cáo kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách trong năm 2014, kế hoạch 2015 của Chính phủ, nhiều ý kiến lo ngại bức tranh KT-XH và ngân sách của đất nước năm 2015 tiếp tục không sáng sủa.

Kẻ phấn khởi, người băn khoăn

Trình bày báo cáo tình hình KT-XH năm 2014, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (5,14%)… Đạt 13/14 chỉ tiêu QH đề ra trong kế hoạch năm 2014.

Không được “phấn khởi” như báo cáo của Bộ KH-ĐT, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH - ông Nguyễn Văn Giàu - trình bày lại cho thấy tình hình KT-XH năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có xu hướng thay đổi tích cực. Trong đó, số doanh nghiệp (DN) phá sản, ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm vẫn lớn (51.244). Bên cạnh đó, số lượng nợ xấu của hệ thống ngân hàng được xử lý còn thấp, đạt khoảng 17% so với kế hoạch. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại.

Thuế là một trong những ngành có rất đông cán bộ, nhân viên hưởng lương từ ngân sách. Trong ảnh: Trao đổi về thủ tục thuế ở Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Với các chỉ tiêu mà Bộ KH-ĐT đưa ra, báo cáo thẩm tra băn khoăn tại sao tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm; DN phá sản, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn mà tăng trưởng vẫn cao hơn các năm trước. “Nhiều ý kiến cho rằng với tình hình khó khăn của DN như trên mà chỉ tiêu tạo việc làm mới năm nào cũng đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động là chưa thuyết phục” - ông Giàu nhận định.

Chưa chốt việc không tăng lương

Trình bày báo cáo ngân sách của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Ngân sách 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở.  Ưu tiên chi cho quốc phòng an ninh để giữ vững chủ quyền và tăng chi trả nợ”.

Thẩm tra báo cáo ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển, nhận định trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp, tăng lương cơ bản sẽ kéo theo áp lực tăng chi ngân sách lớn nên cần cân nhắc để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Tuy nhiên, theo ông Hiển, một số ý kiến cho rằng cần tăng lương tối thiểu theo lộ trình để bảo đảm đời sống cho một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính.

Chia sẻ với Chính phủ việc năm 2014 đã không thể điều chỉnh tăng lương do không bố trí được nguồn nhưng Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: “Các cơ quan và dư luận băn khoăn tăng lương lấy tiền ở đâu ra hay là giảm cái này, cái kia?”.

Trước câu hỏi trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng: “Ăn hết mà không có tiền chi lương thì tôi chả hiểu thế nào! Không thể chốt ngay việc không tăng lương được. Mấy ông làm cán bộ công chức thì còn kêu gọi chưa tăng lương được chứ các cụ về hưu mà không giải quyết cho họ thì không được”.  Đồng tình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước quyết liệt: “Năm tới phải giải quyết vấn đề lương”.

Vay tiền ào ào làm sao phát triển!

Nhìn bức tranh cơ cấu ngân sách hiện tại, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Với 72% dành chi thường xuyên, còn lại vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển, tôi xin nói đây là cơ cấu xấu”. Chủ tịch QH phân tích tình trạng này có thể làm gia tăng vay nợ, tăng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu, rồi đảo nợ. Ông kiến nghị ngân sách phải dành 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư, 20% trả nợ. “Cứ vay tiền ào ào thì không phát triển đất nước, trả nợ không được thì đến ngày là sụp. Các đồng chí không chủ động làm ra tiền, chỉ ngồi chờ xem có bao nhiêu để chia ra chi là không được” - Chủ tịch QH lo ngại.

Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Nguyễn Hạnh Phúc, có ý kiến: Báo cáo của Chính phủ nêu tăng thu năm 2015 là 14% và chủ yếu từ khu vực DN song theo thống kê, hiện 213.000 DN kê khai lỗ, nợ thuế tăng; tăng trưởng tín dụng năm 2014 thấp; nợ xấu có xu hướng quay trở lại ít nhiều ảnh hưởng tới nguồn thu. “Với thực tế này, tôi không rõ năm 2015 lấy đâu nguồn tăng chi” - ông Phúc trăn trở.

Các chỉ tiêu tăng trưởng KT-XH, môi trường theo Nghị quyết của QH về Kế hoạch 5 năm 2011-2015 sẽ đạt thấp. Bình quân 4 năm 2011-2014 dự kiến sẽ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với kế hoạch là 6,5%-7%.

 

 

Theo Thế Dũng (NLĐ)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang