Lại nở rộ lừa đảo đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ

author 18:16 24/02/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa cảnh báo, thời gian qua, có nhiều đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Các đối tượng môi giới chào mời, quảng bá có thể đưa người lao động sang làm công việc thời vụ với visa C4 và E8 theo Thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc.

 Cảnh báo tình trạng đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ. Ảnh tư liệu

Cụ thể, các đối tượng môi giới cam kết sẽ đảm bảo các thủ tục đưa người lao động sang Hàn Quốc theo chương trình này để thu tiền bất chính của người lao động. Thậm chí, người lao động ở địa phương chưa có Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, các đối tượng môi giới cũng hứa hẹn làm thủ tục chuyển hộ khẩu đến địa phương đã có Thỏa thuận với Hàn Quốc để thu thêm tiền của người lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định Chương trình đưa lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc được thực hiện theo Thỏa thuận ký giữa địa phương của Việt Nam và địa phương của Hàn Quốc. Do vậy, chỉ người lao động của địa phương có ký Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc mới được tham gia chương trình.

Đến nay đã có tám tỉnh, thành phố ký Thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc về chương trình này gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam và Cà Mau.

Tại các địa phương triển khai chương trình này, Sở LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý thực hiện và Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở LĐ-TB&XH là đơn vị trực tiếp tuyển chọn, hoàn thiện hồ sơ và phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.

Cục quản lý lao động ngoài nước lưu ý các doanh nghiệp phái cử không được tham gia thực hiện chương trình này.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, mỗi năm Việt Nam đưa hơn 7.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với mức lương cao, từ 35 đến 60 triệu đồng/tháng. Lao động phải học tiếng Hàn và trải qua một kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn rất khắt khe, có sự giám sát của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, lực lượng công an, cơ quan Hàn Quốc. Lao động vi phạm quy chế thi sẽ bị cấm thi trong 3 năm tiếp theo.

Đặc biệt, lao động sẽ phải đạt yêu cầu 2 vòng thi: Thi năng lực tiếng Hàn (EPS-TOPIK) và kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực, mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Gia Liêm cho rằng giải pháp tối ưu hiện nay là Cục gửi công văn đề nghị các sở LĐ-TB&XH kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng nhưng lại môi giới, tổ chức đưa người đi trái phép để chuyển cho cơ quan công an điều tra. Đồng thời, cảnh báo cho người lao động để tránh bị lừa đảo.

Thời gian qua, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và thanh tra các sở LĐ-TB&XH thường xuyên tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra định kỳ và thanh tra bất thường khi nhận được thông tin phản ánh của công dân.

Tuy nhiên, những giải pháp trên vẫn khó ngăn chặn triệt để. Vì vậy, người lao động cần kiểm tra thông tin từ sở LĐ-TB&XH hoặc liên hệ với đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0988200599 để tránh "bẫy" lừa đảo của các công ty môi giới trái phép.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang