Lại rộ quảng cáo '1 viên vitamin C bằng 3,5 quả chanh, 1,3 kg táo'

author 22:39 19/03/2025

(VietQ.vn) - Mạng xã hội đang trở thành sân chơi của các chiến dịch quảng cáo, nhưng mặt trái của xu hướng này là không ít người nổi tiếng đã lợi dụng sự tin tưởng của công chúng để quảng bá thực phẩm chức năng một cách thiếu kiểm soát.

Khi các nền tảng mạng xã hội phát triển vượt bậc, quảng cáo trực tuyến đã trở thành công cụ chủ yếu cho các chiến dịch marketing. Tuy nhiên, không ít người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng, đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng để quảng bá sản phẩm thực phẩm chức năng mà không đảm bảo thông tin chính xác.

Mới đây, một đoạn clip từ livestream của diễn viên Sam lan truyền mạnh mẽ trên mạng, trong đó anh tuyên bố: “Viên vitamin C trong này tương đương 3,5 quả chanh, 1,3 kg táo. Thay vì ăn 1,3 kg táo, nhai một viên này thôi, đủ bổ sung vitamin C cần thiết trong một ngày".

Không chỉ Sam, ca sĩ Dương Domic và TikToker Tun Phạm cũng quảng cáo loại vitamin C này với những tuyên bố tương tự. Trên kênh của nhãn hàng, video quảng cáo của Dương Domic cho biết viên thực phẩm chức năng chứa 50 mg vitamin C, tương đương với 1,6 kg nho và 1,3 kg táo. Giá bán của sản phẩm dao động từ 90.000 đến 135.000 đồng cho lọ 60 viên.

Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm thổi phồng công dụng gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Mặc dù có những khán giả ủng hộ, cho rằng thông tin được công bố rõ ràng – mỗi viên chứa 50 mg vitamin C. Tuy nhiên, theo số liệu từ tờ Live Strong, một quả táo nặng 138 g cung cấp khoảng 6,3 mg vitamin C, do đó, tuyên bố của nhãn hàng vẫn gây tranh cãi khi so sánh một viên với 1,3 kg táo.

Gần đây, không chỉ loại vitamin C này mà còn nhiều sản phẩm khác như kẹo bổ sung lutein, kẹo dẻo glutathione… cũng bị dấy lên những chỉ trích vì quảng cáo “lố” về thành phần và công dụng. Như bê bối trong thời gian gần đây của hoa hậu Thùy Tiên cùng Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng cáo loại kẹo rau củ, tuyên bố sản phẩm được làm từ 10 loại rau củ và có khả năng bổ sung chất xơ cho người từ 3 tuổi trở lên.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định rõ: Nội dung quảng cáo phải phù hợp công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm.

Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2014 cũng quy định: "Công bố khuyến cáo về sức khỏe phải đúng bản chất của sản phẩm, chỉ công bố công dụng của thành phần cấu tạo có công dụng chính hoặc công bố công dụng hợp thành của những thành phần cấu tạo khi có bằng chứng khoa học chứng minh và không công bố công dụng theo cách liệt kê công dụng của các thành phần".

Trước tình trạng quảng cáo sai sự thật, Cục An toàn Thực phẩm đã yêu cầu kiểm tra quy trình sản xuất, công bố và quảng cáo sản phẩm nhằm làm rõ các vấn đề liên quan. Đồng thời, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã mời các người nổi tiếng liên quan – bà Nguyễn Thị Thái Hằng, ông Phạm Quang Linh, bà Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên lên làm việc.

Theo biên bản xử phạt, ông Phạm Quang Linh và bà Nguyễn Thị Thái Hằng bị xử phạt vì hành vi quảng cáo không đúng sự thật, trong khi bà Thùy Tiên bị nhắc nhở; vào chiều ngày 15 tháng 3, bà Thùy Tiên đã lên tiếng nhận sai và xin lỗi, nhấn mạnh cảm giác hối hận sâu sắc khi nhận ra mình đã làm tổn thương niềm tin của người hâm mộ.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho rằng, người nổi tiếng cần phân biệt rõ các loại sản phẩm quảng cáo. Những sản phẩm thông thường như quần áo, giày dép... nếu có thông tin sai lệch, ảnh hưởng sẽ ít hơn. Còn với các sản phẩm như thực phẩm chức năng và thuốc, quảng cáo cần phải đi đôi với lương tâm và trách nhiệm, vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng.

“Nhiều người nổi tiếng quảng cáo mà không cân nhắc rủi ro, thổi phồng công dụng của sản phẩm một cách quá mức, khiến chúng trở thành "thần dược", vượt xa công dụng thực tế của thuốc chữa bệnh. Tình trạng này không chỉ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng mà còn phản ánh sự thiếu trách nhiệm của những người nổi tiếng”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Theo đó, thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc chữa bệnh mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng. Việc sử dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thay thế hoàn toàn các sản phẩm tự nhiên như rau củ quả là không hợp lý, vì cơ thể cần hấp thụ dinh dưỡng một cách tự nhiên. Các doanh nghiệp và nhãn hàng phải đảm bảo mọi thông tin về thành phần, hàm lượng và công dụng được công bố dựa trên kết quả kiểm định thực tế và phải đảm bảo tính minh bạch, tránh gây nhầm lẫn. Đây không chỉ là trách nhiệm với người tiêu dùng mà còn là yêu cầu bắt buộc của pháp luật nhằm duy trì niềm tin và uy tín của ngành hàng.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang