Kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua phương pháp quản lý tinh gọn

author 19:14 18/03/2025

(VietQ.vn) - Quá trình sản xuất không đạt yêu cầu nếu chất lượng sản phẩm không đáp ứng các thông số kỹ thuật. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm kém chất lượng cho khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí cao hơn và khách hàng có thể mất niềm tin vào doanh nghiệp. Nhiều công cụ quản lý tinh gọn (như: tự kiểm tra, poka yoke, và jidoka…) đã được phát triển để giảm khả năng xảy ra lỗi và tăng tốc độ phát hiện lỗi.

Quản lý tinh gọn (Lean) là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục và tập trung vào việc tạo thêm giá trị cho khách hàng cùng lúc với việc loại bỏ các lãng phí trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ của một tổ chức, từ đó giúp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, đồng thời tăng khả năng đáp ứng một cách linh hoạt các yêu cầu không ngừng biến động và ngày càng khắt khe của khách hàng.

Phương pháp quản lý tinh gọn tập trung vào việc tạo thêm giá trị cho khách hàng cùng lúc với việc loại bỏ các lãng phí. Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia cho biết, bằng cách sử dụng giải pháp quản lý tinh gọn trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp có thể đạt được nhiều lợi ích khác nhau. Các lợi ích cụ thể như sau:

Thứ nhất là tăng tính linh hoạt: Tính linh hoạt cho phép doanh nghiệp sử dụng một dây chuyền sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, tính linh hoạt cũng đòi hỏi cần nhiều thời gian để sử dụng máy móc và sản xuất các sản phẩm khác nhau. Triển khai các công cụ quản lý tinh gọn, doanh nghiệp có thể loại bỏ các hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng, do đó đẩy nhanh quá trình sản xuất. Công nghệ 4.0 đã thúc đẩy triển khai các hoạt động này. Các cảm biến và phần mềm giúp máy móc có thể “tự động” nhận dạng sản phẩm, sử dụng các chương trình và công cụ phù hợp để thực hiện các hoạt động gia tăng giá trị mà không có sự tham gia trực tiếp của con người.

Thứ hai là cải thiện năng suất: Trong nhiều ngành sản xuất, sự cố và hỏng hóc thiết bị là một trong các nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp. Doanh nghiệp có thể sử dụng phương pháp quản lý tinh gọn (như bảo trì tự động, phòng ngừa…) để tăng hiệu quả thiết bị tổng thể. Ngoài việc cải thiện năng suất thông qua bảo trì, các công cụ quản lý tinh gọn sẽ thúc đẩy cải tiến liên tục, bảo đảm tính minh bạch cao hơn thông qua công nghệ dữ liệu lớn.

Quản lý tinh gọn có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục,... (Ảnh minh họa)

Thứ ba là kiểm soát chất lượng: Quá trình sản xuất không đạt yêu cầu nếu chất lượng sản phẩm không đáp ứng các thông số kỹ thuật. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm kém chất lượng cho khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí cao hơn và khách hàng có thể mất niềm tin vào doanh nghiệp. Nhiều công cụ quản lý tinh gọn (như: tự kiểm tra, poka yoke, và jidoka…) đã được phát triển để giảm khả năng xảy ra lỗi và tăng tốc độ phát hiện lỗi.

Thứ tư là bảo đảm an toàn: Để đảm bảo an toàn, quản lý tinh gọn sử dụng các “dấu hiệu cảnh báo an toàn”. Một cách tiếp cận quản lý tinh gọn khác được sử dụng theo dõi chi tiết các sự cố để xác định vấn đề cần được cải thiện. Doanh nghiệp có thể sử dụng cảm biến không dây nâng cao hiệu quả của tính an toàn. Doanh nghiệp có thể giải quyết các yêu cầu an toàn thông qua công nghệ thực tế ảo để đào tạo người lao động. Đào tạo tại chỗ trong môi trường ảo sẽ hiệu quả hơn so với đào tạo trong môi trường thực tế, đặc biệt là cách tiếp cận hấp dẫn thế hệ lao động trẻ.

Nhìn chung, quản lý tinh gọn có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục,… Phương phá này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện hiệu quả, năng suất, chất lượng và sự hài lòng của khách hàng.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang