Làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động chống gian lận xuất xứ hàng hóa?

author 10:09 19/07/2020

(VietQ.vn) - Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam, Cục Kiểm tra sau thông quan cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định theo hướng rõ ràng, chi tiết hơn, khắc phục tình trạng quy định chồng chéo, khó áp dụng trong thực tiễn.

Nhiều thủ đoạn gian lận xuất xứ tinh vi

Theo thông tin từ Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), thời gian qua, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại tự do, tình trạng giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu có chiều hướng gia tăng. Nhóm hàng vi phạm khá đa dạng, không chỉ tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà còn có cả những mặt hàng xuất khẩu có kim ngách không lớn, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam và gây nhiều hệ lụy từ các biện pháp ngăn chặn của các nước nhập khẩu.

Phương thức chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất giản đơn quy định tại Điều 9, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật…

Để ngăn chặn tình này, từ tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CPngày 31/12/2019 “về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp”.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã triển khai chuyên đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan Việt Nam ký kết với các nước đặc biệt là Mỹ để thực hiện hành vi vi phạm xuất xứ Việt Nam làm ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với các nước.

Kết quả công tác đấu tranh, ngăn chặn cũng giúp cơ bản kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu của các nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, như: xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và nhiều mặt hàng khác tránh ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam.

Về kết quả công tác kiểm tra, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu. Đồng thời phối hợp với Bộ Công an điều tra 01 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.

Đến thời điểm hiện nay, cơ quan Hải quan đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Đã thu hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).

Ảnh minh họa 

Những khó khăn khi xử lý

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác đấu tranh phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, song theo Cục Kiểm tra sau thông quan, cơ quan chức năng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình, việc hướng dẫn tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và một số văn bản khác còn có điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong quá trình kiểm tra, xác định vi phạm gây phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, về Quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc CTC (chuyển đổi mã số) quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6, Thông tư số 05/2018/TT-BCT còn mâu thuẫn với giải thích thuật ngữ quy định tại Khoản 9, Điều 3, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.

Trong khi đó, quy định về tự chứng nhận xuất xứ chỉ đưa ra khái niệm tại Khoản 7, Khoản 8, Điều 3, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và không có hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 05/2018/TT-BCT, do vậy khó kết luận vi phạm về hành vi tự chứng nhận xuất xứ. Hơn nữa, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, tại điều 9 quy định “Công đoạn gia công chế biến giản đơn” quy định còn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ nên dẫn đến việc đấu tranh của cơ quan Hải quan với doanh nghiệp để xác định công đoạn gia công giản đơn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, theo Cục Kiểm tra sau thông quan, hiện vẫn còn sự không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Cụ thể, tại Điều 34 “Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” và Điều 72 “Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính” tại Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 chỉ quy định với các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám chữa bênh; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán;… không quy định đối với trường hợp cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ.

Tuy nhiên, tại Điều 63 "Hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu" tại Nghị định số185/2013/NĐ-CP và khoản 26 Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi điều 63 Nghị định 185 có quy định buộc cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ.

Khắc phục tình trạng chồng chéo trong các quy định

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nói trên, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam, Cục Kiểm tra sau thông quan cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định theo hướng rõ ràng, chi tiết hơn, khắc phục tình trạng quy định chống chéo, khó áp dụng trong thực tiễn.

Đặc biệt, để khắc phục hậu quả do hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa gây ra là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Thông tư 149/2014/TT-BTC, hiện tại mới có quy định cách tính đối với doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xuất khẩu (chủ thể của hàng hóa vi phạm). Do đó, cần bổ sung quy định cách tính thu lợi bất hợp pháp đối với doanh nghiệp hoạt động theo loại hình gia công do chủ thể của hàng hóa (đơn vị thuê gia công) thường ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam.

Cơ quan Hải quan cũng nêu kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sớm có quy chế phối hợp trong việc thực hiện Khoản 2, Điều 28, Nghị định 31/2018/NĐ-CP về Kiểm tra xác minh xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về việc ghi nhãn hàng mác, khai báo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp hàng hóa không đủ điều kiện hưởng xuất xứ Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, quy định cụ thể về phương pháp xác định xuất xứ, hành vi vi phạm tự chứng nhận xuất xứ để đảm bảo tính khả thi trong xử phạt và phòng ngừa gian lận. Cụ thể như trường hợp doanh nghiệp chỉ xin giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho một số lô hàng ban đầu và khi làm thủ tục hải quan khai báo hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, sau đó không xin C/O nữa nhưng khi làm thủ tục hải quan vẫn khai báo hàng hóa xuất xứ Việt Nam, trên bao bì ghi Made in Viet nam, khi cơ quan Hải quan kiểm tra các lô hàng này phát hiện vi phạm về xuất xứ.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang