Lạng Sơn: ‘Điểm nóng’ chống hàng giả nhưng trên địa bàn hầu như không có cơ sở sản xuất hàng giả?

author 07:15 22/01/2021

(VietQ.vn) - Mặc dù trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hầu như không có cơ sở sản xuất hàng giả, hàng gian lận về nguồn gốc xuất xứ nhưng đây được coi là một trong những “điểm nóng” chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên cả nước.

“Điểm nóng” chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái

Năm 2020, khi nói về các “điểm nóng” chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ có lẽ chúng ta không thể không nhắc đến tỉnh Lạng Sơn. Đại diện Cục QLTT Lạng Sơn cho biết trên địa bàn tỉnh hầu như không có cơ sở sản xuất hàng giả, hàng gian lận về nguồn gốc xuất xứ. Thế nhưng với trên 231km đường biên giới quốc gia trên đất liền với Trung Quốc, trong đó có 02 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính, 09 cửa khẩu phụ và hàng trăm đường mòn lối tắt có thể qua lại biên giới với địa hình đồi núi, địa hình, địa vật che khuất đan xen giữa khu dân cư và núi rừng, cùng với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt nối với các tỉnh, thành nội địa rất thuận lợi… Vì vậy, các đối tượng xấu đã lợi dụng, dùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi để đối phó việc kiểm tra, kiểm soát nhằm đưa hàng lậu, trong đó có cả hàng giả về nhãn hiệu, giả xuất xứ từ bên kia biên giới qua địa bàn Lạng Sơn vào sâu trong nội địa tiêu thụ.

Thủ đoạn, hành vi vận chuyển hàng giả chủ yếu với quy mô mang vác nhỏ lẻ qua đường mòn biên giới. Tuy nhiên, sau khi có dịch Covid-19 các lực lượng chức năng tăng cường ngăn chặn đường mòn, kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh trái phép thì thủ đoạn buôn lậu đã chuyển sang hình thức mới, cụ thể như sau:

Một số đối tượng buôn lậu đã thành lập doanh nghiệp để nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục hải quan, nhập khẩu theo luồng ưu tiên, hình thức chuyển cửa khẩu để khai gian về số lượng, chủng loại, trà trộn cả hàng giả, hàng cấm (tiền chất ma túy); Một số doanh nghiệp làm dịch vụ bưu chính, dịch vụ vận chuyển chuyển phát nhanh phát triển mạnh, các doanh nghiệp này chủ yếu thành lập ra để vận chuyển hàng lậu, hàng giả (năm 2020 riêng địa bàn của khẩu Tân Thanh đã có 6 DN thành lập)...

Trên thị trường nội địa, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 loại hình kinh doanh thương mại điện tử phát triển mạnh, đối tượng kinh doanh rất đa dạng: có cả cán bộ, công chức, viên chức cũng tham gia kinh doanh. Mặt hàng giả nhập lậu, hàng giả chủ yếu là nhóm hàng hóa quần áo, giày dép, túi xách giả, mỹ phẩm các nhãn hiệu nổi tiếng; nhóm mặt hàng điện gia dụng giả nhãn hiệu trong nước.

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: QLTT. 

Khi hoạt động thương mại điện tử, các loại hình dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính phát triển kéo theo những hệ lụy, rủi ro nhất định đối với người tiêu dùng. Nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để buôn bán hàng cấm, cung ứng dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp những thông tin sai lệch về chất lượng, quy cách sản phẩm hàng hóa để lừa dối người tiêu dùng...

Cũng theo đại diện Cục QLTT Lạng Sơn, trong năm 2020, Cục đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả từ biên giới vào nội địa; kiểm soát hoạt động thương mại điện tử, trong đó tập trung những nội dung chủ yếu như: Các chứng từ, sổ sách chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa,..

Kết quả, năm 2020, Cục QLTT Lạng Sơn đã kiểm tra: 2.879 vụ; Số vụ vi phạm đã xử lý: 2.293 vụ; Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính: 42.313.262.000 đồng. Ttrong đó: Số tiền xử phạt: 12.428.706.000 đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm: 19.103.576.000 đồng; Buộc các đối tượng vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là: 10.780.980.000 đồng.

Còn nhiều vướng mắc, khó khăn

Xuất phát từ thực tiễn, đại diện Cục QLTT Lạng Sơn cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho công tác phòng, chống gian lận thương mại thời gian qua. Có thể kể đến như: Hoạt động vận chuyển hàng giả từ bên kia biên giới vào nội địa chủ yếu là nhỏ lẻ qua địa bàn, thủ đoạn hoạt động chủ yếu là do các chủ hàng lớn ở các tỉnh thành nội địa đặt hàng bên kia biên giới, sau đó thuê vận chuyển nhiều công đoạn qua địa bàn tỉnh về nội địa nên khó khăn trong xử lý các đối tượng cộm cán. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn chấp nhận tiêu thụ hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu với giá rẻ, mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn, do đó vẫn diễn ra tình trạng nhiều đối tượng rao bán các mặt hàng giả, lậu, không rõ nguồn gốc qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook,... nhưng công tác quản lý đối với các đối tượng này rất khó khăn.

Trên địa bàn không có các sàn giao dịch thương mại điện tử, hoạt động thương mại điện tử chủ yếu được thực hiện thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử có trụ sở ngoài tỉnh hoặc trên các trang mạng xã hội. Do vậy việc thu thập, nắm bắt thông tin về các đối tượng hoạt động thương mại điện tử còn rất hạn chế, chủ yếu các đơn vị trực thuộc sử dụng các thao tác, công cụ thủ công để truy soát thông tin phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát nên cơ bản việc kiểm tra, kiểm soát còn rất hạn chế…

Dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tình hình dịch bệnh, thiên tai trong năm 2021 sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An yêu cầu lực lượng QLTT phát triển theo hướng “Chính quy- Chuyên nghiệp – Hiện đại” đúng với Chiến lược phát triển lực lượng QLTT giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2030.

Đặc biệt, lực lượng QLTT phải tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các lực lượng chức năng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tập huấn, đào tạo, hỗ trợ kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, thông qua thực tiễn kiểm tra, xử lý vi phạm, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, Thứ trưởng yêu cầu lực lượng QLTT đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Cuối cùng, lực lượng QLTT cần đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.

“Đến nay Nghị định 90/2020/NĐ-CP đã có chế tài xử lý đối với hành vi “Cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet” tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng xử lý, do vậy trên thực tế hiện nay, các vụ việc do đơn vị phát hiện việc kinh doanh hàng giả nhãn hiệu trên môi trường internet (đăng trên zalo, facebook…) đơn vị chỉ thực hiện xử lý thuần túy là một vụ việc bán hàng giả và xử lý theo quy định tại Nghị định 99/2020/NĐ-CP, theo đó chưa thể hiện được đúng bản chất của vụ việc”, Đại diện Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Lạng Sơn: Chặn hàng loạt vụ vận chuyển hàng lậu đưa vào nội địa cung ứng dịp Tết Tân Sửu 2021(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn vừa phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn hàng loạt vụ vận chuyển hàng thực phẩm, đồ gia dụng… được các đối tượng nhập lậu nhằm đưa vào thị trường nội địa cung ứng dịp tết Tân Sửu 2021.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang