Lạng Sơn ngăn chặn thành công trên 2.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu không rõ xuất xứ

author 09:52 31/05/2022

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển hàng hóa lưu thông trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và thu giữ 2000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, tại Km 42 QL 1A, thuộc địa phận xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng - tỉnh Lạng Sơn, Tổ công tác địa bàn huyện Chi Lăng thuộc Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Chi Lăng tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô khách loại 16 chỗ biển kiểm soát 29B-050.57.

Thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng xác định xe ô tô trên do ông Vũ Văn Đông, sinh năm 1994, có địa chỉ Thôn chùa, xã Hưng Lạc, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang điều khiển đang lưu thông hướng Hà Nội - Lạng Sơn.

Lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu bị phát hiện tại Lạng Sơn. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn 

Tại thời điểm kiểm tra Tổ công tác phát hiện trên xe đang vận chuyển 10 thùng carton chứa đựng 03 loại hàng hóa là chất tẩy rửa, mỹ phẩm, hóa chất do nước ngoài sản xuất gồm: Viên xả thơm quần áo nhãn hiệu Zhao Chun loại 110gam/lọ số lượng: 980 lọ; miếng Mặt lạ đắp mặt Collagen nhãn hiệu Yanjiayi loại 04gam/gói số lượng: 1.200 gói; Tinh dầu thơm khuếch tán Hotel Series loại 40ml/lọ số lượng; 160 lọ; tổng giá trị hàng hóa ước khoảng 30 triệu đồng.

Qua đấu tranh, làm việc ông Vũ Văn Đông không xuất trình được giấy tờ gì chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa trên. Đội QLTT số 4 phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên cùng phương tiện xe ô tô để xác minh làm rõ chủ sở hữu, nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới mỹ phẩm nhập lậu, kém chất lượng, ông Nguyễn Đức Lê- Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, mỹ phẩm trên thị trường rất đa dạng, đến từ rất nhiều nguồn khác nhau như: sản xuất, gia công, đóng gói trong nước, nhập khẩu, hàng xách tay của người nhập cảnh… Mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường trà trộn và bán cùng hàng thật, khi khách hỏi mới đưa ra bán cho người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Mỹ phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất khá tinh vi, rất khó để phân biệt.

Cũng theo ông Lê, việc mua mỹ phẩm giả, người tiêu dùng vừa mất tiền vừa bị ảnh hưởng tới sức khỏe là tất yếu. Ngoài việc gây dị ứng khi dùng mỹ phẩm kém chất lượng về lâu dài sẽ còn gây ra ung thư da, nhiễm độc chì nghiêm trọng. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua mỹ phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm uy tín thường có hệ thống phân phối riêng, vì vậy rủi ro hàng giả, kém chất lượng sẽ thấp hơn nhiều so với các kênh phân phối ngoài hệ thống.

Người tiêu dùng cần lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng. Đối với mỹ phẩm nhập khẩu người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của mỹ phẩm, nhất là nhãn phụ bằng tiếng Việt phải đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phải rõ ràng.

Đối với mỹ phẩm trên môi trường thương mại điện tử, người mua có thể tham gia các cộng đồng tiêu dùng thông minh theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp mua sản phẩm của nhau, chia sẻ tài nguyên thông tin đối tác, khách hàng. Với nhà cung cấp minh bạch thì người bán và người mua có thể trực tiếp tương tác tức thì bằng công cụ giao tiếp online với đầy đủ chức năng như mạng xã hội zalo, viber, facebook… Người mua có thể tương tác trực tiếp để quyết định mua online hay offline (đặt hàng, nhận hàng tại địa của khách hàng hoặc đặt hàng, nhận hàng và trả tiền trực tiếp tại địa chỉ của doanh nghiệp, cửa hàng) dựa trên chữ tín và các bên cùng có lợi.

Người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với các sản phẩm giá rẻ bất thường, các sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả,...

 An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang