Lấy mẫu thịt, gan, thận lợn và bò ngay tại chợ để kiểm tra chất tạo nạc

author 16:36 07/09/2015

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận của lợn và bò thịt ngay tại các chợ để kiểm tra chất tạo nạc salbutamol.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát vừa ra chỉ thị về việc tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi. 

Cụ thể, Bộ NN&PTNT để nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh do Sở NN&PTNT làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan như Y tế, Công thương, Tài chính và Công an triển khai cấp bách các biện pháp quản lý chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là với chất tạo nạc Salbutamol.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan trên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam. Thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác, tẩy chay.

Sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi là một hành vi vi phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Tổ chức đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là Salbutamol tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Trong đó, đặc biệt lưu ý các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, tự phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung. 

Các cơ sở, trang trại chăn nuôi cần phải được kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với thịt bò, thịt lợn. Kiểm tra mẫu thịt, gan, thận, nhất là nước tiểu của các loại lợn, bò trước khi giết mổ tại các lò mổ. Tại các chợ, cơ quan chức năng cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận của lợn và bò thịt.

Ở lần "ra quân" này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và kết quả công khai công tác kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn, gửi Cục Chăn nuôi tập hợp báo cáo Bộ và Ban chỉ đạo 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo Bộ NN&PTNT, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng báo động ở các địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Điều này không chỉ tác động xấu đến sức khỏe cộng động và con làm phương hại đến sản xuất ngành chăn nuôi trong nước, trong lúc sức ép của các loại thực phẩm ngoại đang ngày một gia tăng. 

Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất tạo nạc thời gian gần đây lên mức đáng báo động khi ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra Chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay, kết quả cho thấy tình trạng sử dụng chất tạo nạc đáng báo động khi trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Thú y TP.HCM đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng cao salbutamol thuộc 7 lô heo.

Trong 7 lô heo dương tính với sabutamol thì có 4 lô ở Đồng Nai, 2 lô ở Tiền Giang và 1 lô ở Long An. Tại Đồng Nai, tình hình diễn biến phức tạp khi kiểm tra 44 trang trại trên tổng số 2.000 trang trại thì phát hiện 14 trang trại sử dụng chất cấm salbutamol.

Salbutamol là chất tạo nạc được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam tuy đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002. Chất này chỉ dùng để cấp cứu bệnh nhân hen lên cơn co thắt phế quản không thở được bởi nếu không cắt cơn hen bệnh nhân sẽ chết. Chỉ có giữa cái sống và cái chết mới phải sử dụng salbutamol vì đây là chất cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người. Salbutamol bị ngành nông nghiệp cấm sử dụng trong chăn nuôi như một loại hoocmôn tăng trưởng.

Nếu lợn được kích nạc bằng Salbutamol thì cơ bắp, cơ mông, đùi rất chắc, nổi rõ. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường.

Theo một chuyên gia về thú y, đặc điểm rõ nhất khi dùng thuốc chỉ cần sang ngày thứ 2 là heo bắt đầu nở mông vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3 heo sẽ ít di chuyển thường nằm ngủ li bì, sang ngày thứ 10 heo bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Bước sang ngày thứ 15 thì người chăn nuôi bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ heo gãy chân rất cao. Không chỉ nở mông vai và siêu tạo nạc, trữ nước, trong khoảng 15 ngày cho heo ăn loại hóa chất đó trọng lượng sẽ tăng vọt trung bình mỗi ngày lên 1,5kg đến 2kg.

Khi ăn thịt heo có salbutamol cũng giống như uống thuốc này bởi salbutamol còn trong thịt heo bao nhiêu sẽ chuyển sang người ăn bấy nhiêu. Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho hay, trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, võng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật và là một trong những tác nhân gây ung thư. Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư chất trên thì lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa… và có thể là nguy cơ cho những căn bệnh khác.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang