‘Loạn’ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Nhiều bộ, ngành sẽ vào cuộc

author 09:12 19/03/2022

(VietQ.vn) - Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022” với sự tham dự của nhiều sở, ban ngành liên quan.

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, mặc dù việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát nhưng vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp. Các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý vi phạm này nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể. 

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, vi phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay chủ yếu gồm: Quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
 
Giả danh Đài truyền hình sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội, đài truyền hình địa phương. Bên cạnh đó là việc quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo hay quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
 

Toàn cảnh hội nghị

Thực tế, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Với các trường hợp này, Cục đã cảnh báo trên website của Cục và thông báo để các báo đăng tin. Năm 2020, 2021, website Cục (vfa.gov.vn) đã đăng 246 bài cảnh báo. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nên trên, một trong số đó là vì lợi nhuận nhiều tổ chức cá nhân sẵn sàng vi phạm, kể cả cơ quan phát hành quảng cáo. Cùng với đó là sự phối hợp của cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là khó khăn trong quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các nền tảng mạng xã hội. Một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo như vấn đề mở tên miền, website quy định về xử phạt bổ sung cũng chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe.
 
Để xử lý, hạn chế tối đa hành vi vi phạm này cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ ngành và các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chân chính, lành mạnh phát triển, đồng thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, quy định chặt chẽ hơn điều kiện để đăng ký bản công bố sản phẩm.
Đối với Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý sàn giao dịch điện tử, bán hàng đa cấp; có biện pháp giám sát các buổi tuyên truyền, phát triển thành viên bán hàng đa cấp qua các hội thảo, hội nghị; Có chế tài xử phạt sàn thương mại điện tử vi phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được phép của cơ quan chức năng; có biện pháp mạnh với việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội; Đồng thời rà soát, quản lý chặt hoạt động của các tên miền, tránh tình trạng xin cấp phép một đằng, hoạt động một nẻo; phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các đơn vị sở hữu tên miền vi phạm, nếu tái phạm có thể rút tên miền, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tăng cường truyền thông, tuyên truyền các quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, quá công dụng sản phẩm, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng như là thuốc chữa bệnh…

Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các tên miền vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi quảng cáo lừa dối người tiêu dùng...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý chặt chẽ việc cấp, đăng ký giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp; UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các Sở, ngành liên quan làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Bảo Linh
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang