Lý do vaccine Covid-19 Trung Quốc khó ra mắt trước 2021

author 15:19 20/06/2020

(VietQ.vn) - Do tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nên vaccine Covid-19- “Ứng viên" triển vọng nhất từ Tập đoàn Biotec National (CNBG) chưa sẵn sàng để ra mắt thị trường.

Báo VnEpress đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, ông Zhang Yutao, Phó chủ tịch tập đoàn Biotec National (CNBG), phát biểu: "Chúng tôi kỳ vọng có thể kêu gọi sự hợp tác quốc tế để tiến hành nghiên cứu lâm sàng trên nhiều khu vực, nhằm đưa vaccine vào thị trường. Sản phẩm chưa sẵn sàng ra mắt cho đến năm sau, dựa trên những kế hoạch hiện tại".

Trước đó, hôm 16/6, hãng đã công bố kết quả sơ bộ của thử nghiệm giai đoạn hai, cho thấy các tình nguyện viên đều sinh lượng kháng thể cao mà không trải qua tác dụng phụ nghiêm trọng.

 Do dịch Covid-19 ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng tới việc điều chế vaccine Covid-19 của Trung Quốc. Ảnh: VnExpress

Kể từ khi Covid-19 khởi phát, nhiều công ty công nghệ sinh học và cả chính phủ Trung Quốc ráo riết chạy đua để tìm cách ngăn ngừa và điều trị. Hơn 10 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người. Song, không "ứng viên" nào vượt qua giai đoạn ba, bởi bước cuối cùng cần đến sự tham gia của hàng nghìn tình nguyện viên, nhằm xác định độ hiệu quả của sản phẩm. Trong tháng 5, số ca nhiễm mới trung bình một ngày tại đại lục là dưới 10.

Tuần trước, Bắc Kinh ghi nhận cụm dịch mới, khởi nguồn từ chợ đầu mối Tân Phát Địa, đến nay đã lây nhiễm cho 180 người. Tuy nhiên, ông Yang cho hay lượng bệnh nhân mới so với dân số còn quá thấp để biến thủ đô thành địa điểm thử nghiệm lý tưởng.

Kể từ khi dịch bệnh lây lan toàn cầu, Trung Quốc có tham vọng soán ngôi Mỹ trong cuộc đua điều chế, hứa hẹn sản xuất vaccine sớm nhất vào tháng 9, ngay cả khi chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng.

CNBG là một chi nhánh từ Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), có vốn đầu tư nhà nước. Theo truyền thông địa phương, công ty đang cung cấp hai loại vaccine tiềm năng cho các viên chức cần đi công tác nước ngoài, để có thêm dữ liệu về độ an toàn, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm.

Tháng trước, các chuyên gia thông báo một "ứng viên" khác, được phát triển bởi Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, cho thấy tác dụng trong việc bảo vệ cơ thể người khỏe mạnh khỏi mầm bệnh.

WHO kêu gọi chia sẻ vaccine phòng COVID-19(VietQ.vn) - WHO nhấn mạnh, vaccine phòng virus SARS-CoV-2 cần phải được xem là một hàng hóa công toàn cầu; đồng thời cần phải đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng đối với bất kì loại vaccine nào đang được phát triển.

Trong diễn biến liên quan tới tình hình dịch Covid-19, báo Quốc tế đưa tin, theo ghi nhận ngày 20/6 toàn cầu có 8.749.211 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra, trong đó có 461.803 người đã tử vong và 4.619.651 trường hợp được bình phục.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 19/6 cảnh báo, đại dịch Covid-19 hiện ở trong “một giai đoạn mới và nguy hiểm” với số ca bệnh mới tăng mạnh cùng lúc người dân mệt mỏi với các lệnh phong tỏa.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, ông Tedros đã hối thúc các quốc gia và người dân duy trì sự cảnh giác cao độ bởi số ca bệnh mới được báo cáo lên WHO đã lên đến mức kỷ lục mới.

Người đứng đầu WHO cho hay: “Đại dịch đang lan nhanh. Hơn 150.000 nghìn ca mắc Covid-19 mới đã được báo cáo lên WHO trong hôm qua (18/6) và đây là con số cao nhất trong vòng 1 ngày được ghi nhận tới nay”.

Cũng theo ông Tedros, gần một nửa trong số những ca bệnh này được báo cáo từ các nước châu Mỹ, trong khi Nam Á và Trung Đông cũng ghi nhận rất nhiều ca bệnh mới.

Ông Tedros nhấn mạnh: “Thế giới đang ở trong một giai đoạn mới và nguy hiểm. Nhiều người có thể thông cảm được là đang mệt mỏi vì phải ở nhà. Các quốc gia có thể thông cảm được là đang nóng lòng mở cửa trở lại xã hội và nền kinh tế… Tuy nhiên, virus vẫn đang lây lan nhanh chóng, nó vẫn nguy hiểm chết người và phần lớn người dân vẫn dễ mắc bệnh”.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang