Máy bay ném bom tàng hình uy lực nhất của Mỹ tiếp tục được nâng cấp

author 05:45 17/09/2016

(VietQ.vn) - Theo nguồn tin từ Lầu Năm góc, ngày 16/9 Mỹ đã giao cho một loạt nhà thầu hợp đồng nâng cấp máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

 Máy bay tàng hình B-2 của Mỹ. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Cụ thể, Quân đội Nhân dân đưa tin, các công ty AMI Industries Inc và United Technology Corp. Aerospace Co sẽ tiến hành nâng cấp một loạt trang bị trên máy bay B-2, trong đó có hệ thống ghế phóng an toàn ACES mới giúp tăng cơ hội thoát hiểm cho phi công trong điều kiện chiến đấu.

Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, gói nâng cấp mới sẽ giúp cải thiện đáng kể hệ thống trao đổi thông tin, phần mềm điều khiển của các hệ thống trên khoang, cũng như kết cấu tàng hình và vũ khí của máy bay B-2 Spirit.

Các thông tin cụ thể liên quan không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, một phần trong gói nâng cấp là hệ thống ghế phóng thoát hiểm ACES mới được trang bị trên B-2 sẽ giúp đơn giản hóa việc bảo trì bộ phận vốn rất khó tháo lắp trên máy bay B-2 này.

Cùng với gói nâng cấp trên, trong vài năm qua, Không quân Mỹ đã có nhiều gói nâng cấp tăng cường khả năng tác chiến của máy bay B-2, thông tin trên báo Đất Việt.

Trải qua thời gian dài hoạt động, hồi giữa năm 2014, Mỹ quyết định chi 9,9 tỷ USD hiện đại hóa oanh tạc cơ này. Theo đó, Không quân Mỹ đã trao một hợp đồng trị giá tới 9,9 tỷ USD cho công ty Northrop Grumman để hỗ trợ hiện đại hóa và duy trì hoạt động cho phi đội 20 máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit.

Theo đó, nhà thầu Northrop Grumman sẽ cải tiến, hỗ trợ các yếu tố hậu cần duy trì sự sống, bao gồm cả việc tăng tuổi thọ thiết bị kỹ thuật, bảo dưỡng phần mềm và hỗ trợ thiết bị. Gói nâng cấp này sẽ kết thúc vào tháng 5/2019 nhưng cũng có thể tùy chọn tăng hạn lên đến tháng 5/2024.

Sốc: Chiến đấu cơ mạnh nhất không quân thế giới vừa bay 600 km/h vừa tiếp nhiên liệu(VietQ.vn) - Toàn bộ quá trình tiếp nhiên liệu của chiến đấu cơ Tu-160 diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ở độ cao hơn 5.000 mét.

Hiện tại, các máy bay B-2 Spirit đã có một số chương trình phần mềm độc lập nhau, mỗi chương trình quản lý một nhiệm vụ riêng biệt và được đơn giản hóa để giảm chi phí bảo dưỡng và tăng độ tin cậy.

Hồi tháng 2/2014, Northrop Grumman cũng đã bắt đầu nâng cấp phần mềm và phần cứng cho hệ thống quản lý phòng thủ Lockheed Martin AN/APR-50 trên máy bay này.

Trước đó, tháng 11/2012 họ cũng hoàn thành lắp đặt hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) nâng cấp AN/APQ-181 trong chương trình hiện đại hóa radar.

Các cải tiến khác của B-2 Spirit bao gồm giao điện khoang điều khiển vũ khí để bổ sung thêm các loại bom đạn mới, điển hình là bom đường kính nhỏ SDB II và bom xuyên boongke GBU-57A/B, tích hợp hệ thống thông tin tăng cường và lắp đặt giao diện vũ khí vạn năng.

Máy bay B-2 hiện là một phần trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ. Không quân Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục sử dụng dòng máy bay chiến lược này tới những năm 2050, kết hợp với dòng máy bay ném bom B-21.

 B-2 Spirit là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất. Ảnh: Quân đội Nhân dân

B-2 Spirit do Northrop Grumman sản xuất, là loại máy bay ném bom đa nhiệm vụ được trang bị công nghệ tàng hình trang bị bom thông thường và bom hạt nhân. Chiếc máy bay ném bom này là một mốc quan trọng trong chương trình hiện đại hóa máy bay ném bom của Mỹ.

B-2 Spirit là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất. Ước tính chi phí cho mỗi chiếc từ khoảng 1,157 tỷ tới 2,2 tỷ USD. Kỹ thuật tàng hình thế hệ 2 của nó được áp dụng nhằm giúp máy bay có thể thâm nhập qua các hàng rào phòng không dày đặc mà máy bay chiến đấu trước đây không thể vượt qua.

Trong Thông điệp liên bang năm 1992, Cựu Tổng thống George H.W. Bush đã thông báo tổng số B-2 Spirit chế tạo sẽ hạn chế ở mức 20 chiếc (sau này đã tăng lên 21 nhờ việc tân trang lại chiếc thử nghiệm). Hiện tại có 20 chiếc phục vụ trong lực lượng Không quân Hoa Kỳ sau khi một chiếc bị rơi.

B-2 Spirit bắt đầu tham chiến trong Chiến tranh Kosovo năm 1999. B-2 Spirit là máy bay đầu tiên sử dụng Vũ khí tấn công điều khiển chung (JDAM) trong chiến tranh. Từ đó, chiếc máy bay này đã hoạt động tại Afghanistan trong Chiến dịch Tự Do Vĩnh Viễn và tại Iraq trong Chiến dịch Tự Do Iraq.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang