Michael Bloomberg - từ nhân viên hợp đồng đến tỷ phú truyền thông

author 06:29 10/09/2014

(VietQ.vn) - Chủ tịch Michael Bloomberg bắt đầu lập nghiệp ở hầm chứa tiền của một ngân hàng tại thành phố New York và trong vòng hơn 20 năm, ông đã biến số tiền trợ cấp 10 triệu USD thành một tập đoàn truyền thông tỷ đô.

Cuộc hành trình đầy cảm hứng, với nhiều thăng trầm thể hiện Michael Bloomberg là một trong những người đàn ông thích cả thành công và hoạt động từ thiện.

Cuộc sống ban đầu không được coi trọng

Michael Bloomberg sinh vào ngày Valentine, 14 tháng 2 năm 1942 ở Boston, Massachusetts.

Chủ tịch tập đoàn Michael Bloomberg với cuộc hành trình thăng trầm

Chủ tịch tập đoàn Michael Bloomberg với cuộc hành trình thăng trầm. Ảnh AP.

Ông lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Cha ông làm việc bảy ngày một tuần như một kế toán tại một trang trại sữa địa phương để nuôi sống ngôi nhà gồm 4 người.

Bloomberg tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins vào năm 1964 với tấm bằng kỹ sư điện. Sau khi tốt nghiệp Johns Hopkins, ông đã nhận được bằng MBA từ trường Kinh doanh Harvard.

Năm 1966, Bloomberg bắt đầu làm việc như một nhân viên hợp đồng tại hầm chứa tiền của Salomon Brothers (một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall trong thập niên 1980) ở New York với mức lương khởi điểm là 9000USD/năm.

Cần cù bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt ở tầng hầm, Bloomberg cuối cùng trở thành một nhà đầu tư trái phiếu và trở thành một đối tác của Salomon Brothers vào năm 1972. Cho đến năm 1976, Michael Bloomberg đã chính thức là cổ đông lớn nhất cũng như là người đứng đầu về khoản thương mại và kinh doanh của Salomon Brothers.

Năm 1979, Giám đốc điều hành của Salomon Brothers, John Gutfreund, và Billy Salomon đề nghị Bloomberg rời khỏi vị trí mạnh mẽ của mình trong thương mại và kinh doanh để quản lý khu vực trẻ cùng hệ thống máy tính mới. Đó có thể coi là một sự giáng chức đối với một cổ đông lớn của công ty.

Ngày 31 tháng 7 năm 1981, mọi thứ đã thay đổi khi Salomon Brothers tư nhân thông báo được sáp nhập với các giao dịch công khai, công ty kinh doanh hàng hóa. Một số đối tác được lợi rất nhiều từ việc sáp nhập này và trở nên giàu có, tuy nhiên, Michael Bloomberg lại bị yêu cầu rời khỏi công ty.

Và chính thức vào ngày 01 tháng 8 năm 1981, người đàn ông 39 tuổi này rời khỏi công ty với khoản bồi thường trị giá 10 triệu USD và một lượng nhỏ trái phiếu chuyển đổi.

Từ đây, ông chính thức quyết định lập nên một công ty công nghệ thông tin chỉ với tiền trợ cấp 10 triệu USD. Bloomberg muốn mang lại tính minh bạch và hiệu quả cho người bán và người mua công cụ tài chính.

Khởi nghiệp với khoản tiền trợ cấp 10 triệu USD

Ông đã đầu tư 4 triệu trong tài sản ít ỏi của mình để khởi động một hệ thống máy tính có thể cung cấp thông tin về thị trường trái phiếu. Công ty của ông ban đầu có tên gọi là Innovative Market Solutions (Giái pháp thị trường) và bao gồm 4 người cộng tác khác lập trình nên thiết bị đầu cuối máy tính giúp các nhà đầu tư dễ dàng soi xét các khoản tài chính của mình.

Khởi nghiệp với khoan tiền trợ cấp 10 triệu USD

Khởi nghiệp với khoan tiền trợ cấp 10 triệu USD. Ảnh Business Insider.

Vào năm 1982, khách hàng đầu tiên của Bloomberg là ngân hàng Merill Lynch đã đặt mua 22 thiết bị đầu cuối máy tính có tên MarketMaster này.

Bên cạnh đó, Merrill Lynch cũng chi 30 triệu USD để thâu tóm 30% cổ phần trong công ty của Bloomberg.

Văn phòng của Bloomberg hiện nay ở New York có 22 bể cá, tượng trưng cho 22 thiết bị đầu cuối máy tính đầu tiên mà công ty bán được.

Thành công đạt đỉnh cao vào những năm 1980

Tỷ phú truyền thông với những thành công từ công ty bán thiết bị đầu cuối

Tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg với những thành công từ công ty bán thiết bị đầu cuối. Ảnh Business Insider.

Năm 1986, công ty đổi tên từ Innovative Market Systems thành Bloomberg L.P.

Đến năm 1987, Bloomberg đã bán được thiết bị đầu cuối máy tính thứ 5.000 và thiết lập nền tảng cho các hệ thống giao dịch của riêng mình.

Năm 1989, Bloomberg mua lại 1/3 số cổ phần 30% mà Merrill Lynch nắm giữ với giá 200 triệu USD. Thương vụ này định giá Bloomberg ở mức 2 tỷ USD chỉ 8 năm sau ngày thành lập công ty.

Đầu những năm 1990, công ty của Bloomberg tiếp tục cho ra đời nhiều bộ phận truyền thông khác nhau: Mạng tin tức Bloomberg Business News, đài phát thanh Bloomberg Radio, kênh truyền hình Bloomberg TV và tạp chí Bloomberg Markets Magazine.

Thiết bị Bloomberg Terminal trở nên rất cần thiết đối với những người giao dịch.

Thiết bị Bloomberg Terminal trở nên rất cần thiết đối với những người giao dịch. Ảnh Business Insider.

Thiết bị Bloomberg Terminal thứ 100.000 đã được lắp đặt vào năm 1998. Với mức phí 1.500 USD/tháng mỗi thiết bị, công ty tư nhân của Bloomberg đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.

Công ty của Bloomberg đã có văn phòng tại khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, Bloomberg L.P đã có hơn 310.000 đăng ký sử dụng dịch vụ tin tức và thông tin tài chính và 15.000 nhân viên trên phạm vi toàn cầu.

Michael Bloomberg – 1 trong 4 thị trưởng New York có nhiệm kỳ kéo dài nhất

Năm 2001, Bloomberg ra tranh cử chức thị trưởng thành phố New York với tư cách một ứng viên của đảng Cộng hòa.

Ông nhậm chức vào năm 2002 và nhận lương 1 USD/năm.

 Michael Bloomberg – 1 trong 4 thị trưởng New York có nhiệm kỳ kéo dài nhất

 Michael Bloomberg – 1 trong 4 thị trưởng New York có nhiệm kỳ kéo dài nhất. Ảnh Business Insider.

Bloomberg đã tiêu tốn đến 74 triệu USD trong chiến dịch tranh cử của mình. Sau khi nhậm chức thị trưởng thành phố New York, ông đã rời khỏi vị trí CEO của Bloomberg L.P và chỉ nhận mức lương 1 USD/năm ở cương vị mới này.

Nhiều người cho rằng, sau vụ 11/9, thành phố New York sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức như tội phạm gia tăng, các doanh nghiệp rời đi, và thành phố sẽ mất nhiều năm để hồi phục.

Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức vào năm 2002, thị trưởng Bloomberg đã giảm số người xin trợ cấp xã hội được 25%, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học tăng 40%, tội phạm giảm 35%...

Michael Bloomberg đã hoàn thành nhiệm kỳ cuối cùng của mình ở cương vị thị trưởng.

Michael Bloomberg đã hoàn thành nhiệm kỳ cuối cùng của mình ở cương vị thị trưởng. Ảnh Business Insider.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đã có lúc tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống chỉ còn 24%. Tuy nhiên, với những điều đã làm được cộng với chiến dịch tranh cử 85 triệu USD, Bloomberg đã tái đắc cử vào năm 2005.

Năm 2007, ông đã tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng hòa và trở thành một chính trị gia độc lập.

Trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế vào những năm 2008, 2009, Bloomberg quyết định giữ chức vụ này thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông đã bỏ ra 90 triệu USD cho cuộc tranh cử và trở thành 1 trong 4 thị trưởng New York có nhiệm kỳ kéo dài nhất.

Người đàn ông đứng top 15 người giàu nhất thế giới với đam mê làm từ thiện

Mặc dù nhận lương 1 USD/năm,tháng 3/2014, thống kê của Forbes cho thấy Bloomberg đang sở hữu khối tài sản trị giá 33,2 tỷ USD và là người giàu thứ 15 thế giới. Ông cũng được đánh giá là người New York giàu có nhất.

Bloomberg đã dành khoảng 2,4 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện.

Tỷ phú truyền thông đứng top 15 người giàu nhất thế giới với đam mê hoạt động từ thiện

Tỷ phú truyền thông đứng top 15 người giàu nhất thế giới với đam mê hoạt động từ thiện. Ảnh Business Insider.

Tỷ phú này đã dành 2,4 tỷ USD cho hoạt động từ thiện trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát huy các sáng kiến của chính phủ, nghệ thuật và giáo dục. Riêng trong năm 2011, ông đã tài trợ 330 triệu USD cho các hoạt động này.

Sở hữu nhiều bất động sản và trực thăng nhưng vẫn giản dị đi làm bằng tàu điện ngầm

Ông sở hữu rất nhiều ngôi nhà trên toàn thế giới từ Bali cho tới London.

Bất động sản tại Southampton của Bloomberg

Bất động sản tại Southampton của Bloomberg. Ảnh Business Insider.

Tại New York, ông không sống trong dinh thự dành riêng cho thị trưởng là Gracie Mansion mà ở căn nhà riêng trị giá 17 triệu USD ở khu Upper East Side.

Bloomberg còn sở hữu một dinh cơ 10,5 triệu USD ở Bermuda, một căn nhà 10 triệu USD ở London, một biệt thự 20 triệu USD ở Southampton, bang New York, và một căn hộ 1,5 triệu USD ở Vail. Tổng cộng, ông có 11 dinh cơ khác nhau.

Ông cũng rất yêu thích máy bay. Bloomberg đã bắt đầu học lái máy bay vào năm 1976 khi 34 tuổi. Ông đã từng đích thân lái máy bay đưa bạn bè và đối tác từ New York tới Albany trên chiếc máy bay trực thăng của mình.

Khi không lái trực thăng, ông chỉ giản dị đi lại bằng tàu điện ngầm.Cả Bloomberg và bạn gái của ông, bà Diana Taylor, một người làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, thường xuyên đi lại bằng tàu điện ngầm.

Khi không lái trực thăng, ông chỉ giản dị đi lại bằng tàu điện ngầm

Khi không lái trực thăng, ông chỉ giản dị đi lại bằng tàu điện ngầm. Ảnh Business Insider.

Bà Diana Taylor cho biết, bà đi tàu điện ngầm đến chỗ làm mỗi ngày, còn thị trưởng Bloomberg cũng đi tàu điện ngầm từ nhà tới Tòa thị chính.

Thanh Hằng

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang