Nhập lậu đường cát công khai ngày càng diễn biến phức tạp
Cuộc chiến cam go chống tồn kho, nhập lậu đường
Nhập lậu lượng lớn gà giống không rõ nguồn gốc bị chặn đứng
Chặn đứng hành vi nhập lậu bột tôm không rõ nguồn gốc về Việt Nam tiêu thụ
Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian qua, tình trạng buôn lậu đường cát qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với số lượng ngày càng nhiều.
Đáng lưu ý, trước đây, các đối tượng buôn lậu sử dụng hình thức sang chiết đường lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh phát hiện, thì hiện nay, các đối tượng chở đường cát lậu công khai bằng xe tải lớn, khi đưa vào thị trường trong nước bán tại các cửa hàng vẫn còn nguyên bao, nhãn mác nước ngoài.
Nhiều trường hợp, đường cát lậu sau khi tập kết được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất rồi sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của nhà máy, công ty đường trong nước mang đi tiêu thụ.
Cũng theo Tổng Cục Quản lý thị trường, đường cát lậu còn được các đối tượng hợp thức hóa khi vận chuyển, kinh doanh để qua mặt cơ quan chức năng dưới nhiều hình thức như: sử dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; sử dụng vận đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch.
Trước tình hình trên, Tổng Cục Quản lý thị trường đã phải ra công văn chỉ đạo các tỉnh, thành phố mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về mặt hàng này.
Theo đó, trong lần ra quân này, Đoàn sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân; Kiểm tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân.
Xây dựng kế hoạch chuyên đề với mục tiêu kiểm tra, ngăn chặn việc lợi dụng sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân nhằm hợp thức hóa đường nhập lậu; lợi dụng hóa đơn chứng từ bán thanh lý mặt hàng đường nhập lậu bị tịch thu của các cơ quan chức năng, hóa đơn mua bán đường trong nước, nhằm mục đích xoay vòng hóa đơn, hợp thức hóa cho các lô hàng đường nhập lậu khác; phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương như: Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân ngăn chặn đường nhập lậu qua biên giới.
Phối hợp với Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan trong hoạt động kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm tàng trữ, vận chuyển, buôn bán đường nhập lậu tại một số địa bàn trọng điểm, địa bàn liên tỉnh, bảo đảm bố trí xe ô tô sẵn sàng phục vụ hoạt động kiểm tra.
Thực hiện kịp thời việc kiểm tra đột xuất khi tiếp nhận được thông tin hoặc từ kết quả thực hiện biện pháp nghiệp vụ về dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, san chiết, phối trộn, đóng gói, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán mặt hàng đường.
Việc tổ chức kiểm tra có kế hoạch, phương án cụ thể; công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát cần quy định rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan phối hợp. Công tác kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, không gây phiền hà, trở ngại cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ; đảm bảo các hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.
Việc Tổng Cục Quản lý thị trường ra quân mở đợt cao điểm kiểm tra mặt hàng đường cát lần này nhằm xử lý kịp thời, triệt để các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường; ngăn chặn, kéo giảm tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán đường nhập lậu đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành mía đường Việt Nam đồng thời để tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn giúp đỡ các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường thực hiện tốt các chủ chương chính sách, quy định của pháp luật về việc kinh doanh mặt hàng đường.
An Dương