Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 215 triệu lít nước mắm, xuất khẩu mang lại 15 triệu USD

author 18:58 11/10/2016

(VietQ.vn) - Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 215 triệu lít nước mắm, nhưng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng từ 3 – 5%, mang lại ngoại tệ cho đất nước là 15 triệu USD.

Sự kiện: Chất lượng nước mắm

Tại một hội thảo về chất lượng nước mắm, bảo tồn và phát triển mới đây được tổ chức tại TP.HCM, đại diện Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa cho biết, hiện cả nước có khoảng hơn 2.900 cơ sở sản xuất nước mắm, tiêu thụ mỗi năm khoảng 215 triệu lít.

Trong số đó, số cơ sở sản xuất nước mắm ở khu vực miền Tây Nam Bộ chiếm đến 46% của cả nước, chiếm đến 39% sản lượng nước mắm sản xuất mỗi năm của cả nước.

Dù sản lượng sản xuất và tiêu thụ rất nhiều như vậy, nhưng sản lượng xuất khẩu nước mắm của Việt Nam chỉ chiếm khoảng từ 3 – 5%, mang về ngoại tệ cho đất nước chỉ khoảng 15 triệu USD. Các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm nhỏ lẻ ngày càng ít dần.

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất nước mắm đã thừa nhận rằng, nước mắm công nghiệp với thành phần chủ yếu là nước muối, phụ gia thực phẩm, vi chất.. đang được phần lớn người tiêu dùng lựa chọn.

Điều này có nghĩa rằng, người tiêu dùng đang phải bỏ tiền ra mua sản phẩm gọi là nước mắm, nhưng thực chất lại không phải là nước mắm nguyên chất.

Các công ty đã mua một phần nước mắm truyền thống về, pha với một số nước muối, cộng với hóa chất, phụ gia, hương liệu, chất bảo quản… và ra thành phẩm nước mắm đến với tay người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều chuyên gia đã từng bắt gặp nhiều sản phẩm không có một tí nước mắm nguyên chất nào, chỉ chủ yếu là nước muối và hóa chất, nhưng cũng được quảng cáo là nước mắm.

 Người tiêu dùng phân vân lựa chọn nước mắm trong siêu thị - ảnh: TTTĐ.

Theo ông Lê Văn Bảnh – Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt từ các loại nước mắm công nghiệp, nước mắm pha chế, nước chấm giá rẻ, thì nước mắm truyền thống đang ngày càng lép vế.

Ngoài ra, theo ông Bảnh thì việc lượng cá cơm ngày càng giảm, không chủ động được nguồn nguyên liệu, chi phí khai thác tăng đẩy giá nguyên liệu tăng…dẫn đến hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống ngày càng sụt giảm.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, cách gọi tên nước mắm như hiện nay là quá lộn xộn, làm cho người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp, còn đâu là nước chấm.

Cho dù, Nhà nước đã ban hành quy định về tiêu chuẩn nước mắm, quy định cách ghi nhãn hàng hóa, nhưng thị trường lại xuất hiện nhiều sản phẩm nước mắm, công bố chất lượng và giá trị dinh dưỡng khác nhau, gây ra sự ngộ nhận và khó hiểu cho người tiêu dùng.

Trên thực tế, còn có một số nhà sản xuất đánh lừa người tiêu dùng về cách ghi độ đạm thực sự của sản phẩm không rõ ràng.

Bên cạnh sự nỗ lực, tự thân vươn lên của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, nhiều ý kiến được đưa ra hội thảo cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm minh bạch thông tin, chuẩn hóa quy định quy trình sản xuất, tiêu chuẩn độ đạm, cách ghi thông tin về nguyên liệu nước mắm.

Khi đó, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn, còn các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống sẽ cạnh tranh sóng phẳng hơn với nước mắm công nghiệp, nước chấm trên thị trường.

TP.HCM bác lời đề nghị của Đa Phước trả lại 2.000 tấn rác/ngày(VietQ.vn) - Lãnh đạo TP.HCM nhận định, việc Đa Phước đề nghị trả lại cho TP 2.000 tấn rác/ngày, mà chưa trao đổi với các cơ quan liên quan là vội vã.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang