Bác sĩ cảnh báo sử dụng cồn để nướng thức ăn dễ gây bỏng nặng

author 13:42 05/06/2023

(VietQ.vn) - Vào mùa hè, nhiều gia đình thường sử dụng cồn để nướng thức ăn, nhất là món mực nướng gây ra nhiều nguy hiểm.

Sử dụng cồn nướng thức ăn vào mùa hè nguy cơ bỏng nặng nếu bất cẩn

Theo thông tin từ Khoa Điều trị bỏng người lớn - Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), thực tế điều trị cho thấy hầu hết các ca bỏng lửa cồn nhập viện đều do nướng mực hoặc cá khô.

Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng cho biết, nhiều người phải nhập viện điều trị bỏng do dùng cồn nướng đồ ăn. Chị Nguyễn Thị L. (Hưng Yên) đi du lịch mua được túi mực nên nướng cồn cho mọi người ăn. Đang nướng, gió to nổi lên khiến chị bị lửa tạt vào. Khi ấy, tay chị đang cầm một lọ cồn khác nên toàn cơ thể trở thành ngọn đuốc sống. Dù được chồng dập lửa nhanh chóng, chị vẫn bị bỏng nặng vùng mặt và vùng cổ, thể trạng yếu.

 Nhiều người dùng cồn để nướng thức ăn nhất là mực, cá rất khô dễ gây bỏng nặng. Ảnh minh họa

Cũng do nướng mực bằng cồn, chị Bùi Kim Kh. (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị bỏng do lửa bám vào váy. Thêm vào đó, vì quá hoảng loạn, chị chạy khắp nhà còn người thân lại không đủ bình tĩnh dập lửa nên chị bị thương khá nặng, đặc biệt là những vùng quanh váy.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, tình huống bị bỏng lửa cồn xảy ra do ngọn lửa của cồn có màu xanh nhạt, nhìn bằng mắt thường đôi khi khó nhận ra (nhất là dưới ánh nắng mặt trời), dẫn đến việc nhiều người nghĩ cồn đã cháy hết mà thức ăn chưa chín, họ lại tiếp tục đổ thêm cồn trực tiếp vào khay thức ăn đang nướng dở khiến lửa bắt vào cồn cháy bùng lên.

Nhiều nạn nhân khi thấy ngọn lửa bùng lên bất ngờ thì có các động tác vung tay, vung chân theo phản xạ khiến cho lửa bắt vào quần áo càng gây cháy nhiều hơn.

Các nạn nhân bị bỏng cồn thường ở vị trí như đầu, mặt, cổ, hai tay, nguy cơ để lại các di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng khả năng lao động, thậm chí để lại hậu quả nặng nề như xuất hiện sẹo co kéo, co rút ảnh hưởng đến chức năng vận động của các chi thể, nhiều trường hợp bỏng nặng dẫn tới tử vong.

Do không nhận thức được hậu quả của bỏng cồn nên hiện nay còn rất nhiều người dân vẫn sử dụng cồn để nướng thức ăn. Trong khi đó, chỉ cần một tích tắc sơ ý, người sử dụng cồn để nướng thức ăn có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình.

Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác lưu ý, người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mực, cá khô hoặc các đồ ăn khác vì rất nguy hiểm, chỉ sơ suất trong phút chốc có thể khiến bạn và những người xung quanh bị bỏng. Nên dùng các biện pháp nướng an toàn hơn như nướng ở lò vi sóng, bếp than, bếp gas.

Trong trường hợp bị bỏng, cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng; tiếp đó cắt bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng; ngâm vùng bị thương trong nước mát sạch từ 15 - 20 phút; sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế chuyên khoa bỏng càng sớm càng tốt.

Tuyệt đối không làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền như bôi nước mắm, kem đánh răng, mỡ trăn... hoặc sử dụng các loại lá cây, thuốc đông y không rõ nguồn gốc đắp lên vết bỏng, sẽ khiến tổn thương nặng thêm, thậm chí có trường hợp biến chứng dẫn tới tử vong khi dùng thuốc lá không rõ nguồn gốc để chữa bỏng.

Lưu ý để tránh bỏng khi nướng đồ ăn bằng cồn

Dùng cồn nướng đồ ăn không phải là phương pháp an toàn, mọi người nên hạn chế sử dụng. Chỉ cần một chút bất cẩn, tai nạn có thể xảy ra. Để giảm thiểu rủi ro, mọi người nên nướng mực ở nơi kín gió (cả gió trời lẫn gió điện), tránh nguồn điện, nguồn nhiệt. Không ngồi quá gần bếp, nhất là trẻ nhỏ, cần nướng mực qua dụng cụ dài. Nên mồi lửa bằng nến thay vì bằng giấy.

Muốn đổ thêm cồn cần đợi lửa tắt hẳn, đổ từng chút một để nhận biết tình trạng ngọn lửa. Do lửa cồn có máu trắng, nhiều người không nhìn ra ngọn lửa, việc đổ ào ạt cồn vào bếp sẽ khiến ngọn lửa bùng cao, vô cùng nguy hiểm. Sau khi dùng xong phải đợi lửa hết hẳn rồi hẵng dọn dẹp, không nên dọn bếp khi vẫn còn lửa.

Bỏng cồn được xếp vào dạng bỏng lửa, khi phát hiện người bị bỏng cần nhanh chóng dập lửa bằng nước lã. Tránh trường hợp hoảng loạn mà chạy quanh nhà, người thân thì không tìm cách dập lửa. Quần áo, giày dép bị cháy nên được cắt bỏ thay vì cố cởi ra. Nhanh chóng ngâm nạn nhân vào nước lạnh (16-20oC), lưu ý, sau 15-30 phút mới ngâm nước lạnh thì không có tác dụng. Dùng băng gạc chặt chỗ bỏng rồi nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế để sơ cứu kịp thời, tránh dị tật về sau.

Để tránh gây sốc hoặc nhiễm trùng vết thương, tuyệt đối không được bôi dầu, mỡ, nước mắm, rượu,… vào nạn nhân. Không làm vỡ những chỗ da phỏng nước.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang