Thực phẩm chức năng giả vẫn tiếp tục hoành hành với thủ đoạn tinh vi hơn

author 11:33 02/06/2023

(VietQ.vn) - Theo nhận định của lực lượng quản lý thị trường, thời gian qua vấn nạn thực phẩm chức năng giả vẫn tiếp tục hoành hành với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Liên tiếp phát hiện lượng lớn thực phẩm chức nưng giả

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thực phẩm chức năng là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam.

Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, thì việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động. Trong thời gian qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt, thu giữ và chuyển sang cơ quan Công an rất nhiều vụ việc liên quan đến hóa mỹ phẩm vi phạm, với số lượng lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an ninh - xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, tác động xấu đến môi trường kinh doanh.

Mới nhất ngày 31/5/2023, Cục QLTT TP. Hà Nội cùng Công an huyện Chương Mỹ đã tiến hành kiểm tra đột xuất một địa điểm tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Tại đây, hàng chục nghìn lọ thực phẩm chức năng giả mới “ra lò” đã bị lực lượng chức năng phát hiện.

 Thực trạng thực phẩm chức năng giả vẫn hoành hành với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở có gần 12.000 lọ/ hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Đáng chú ý, mặc dù được cho sản xuất và đóng gói tại căn nhà chật hẹp này, tuy nhiên phía bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhận khẩu Lady cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH thương mại Tavuco Việt Nam....

Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, lực lượng chức năng còn ghi nhận tại cơ sở kinh doanh chứa 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67 kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại cùng 1 chiếc máy khò nhiệt và 1 chiếc máy ép nhiệt đã qua sử dụng nhãn có chữ nước ngoài.

Trước đó, Đội QLTT số 1 phối hợp với công an kiểm tra đột xuất và thu giữ gần 5 tấn thực phẩm chức năng có dấu hiệu giả mạo, đây là số lượng bị phát hiện lớn nhất từ đầu năm tới nay.

Trong đó có 1 tấn bao bì tem nhãn và hơn 2 tấn nguyên liệu thuốc, thực phẩm chức năng, tương đương hàng triệu viên dạng con nhộng. Toàn bộ đều không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các đối tượng này rất tinh vi, thường xuyên xóa dấu vết tại các địa điểm tập kết hàng và thay đổi nơi cất giấu. 

Tiếp đến, lực lượng QLTT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội kiểm tra một điểm chứa trữ trong khu đô thị Times City, phát hiện 1 tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng không rõ nguồn gốc xuất. Toàn bộ số thuốc này đựng trong các bao tải, túi lớn, không có bao bì, nhãn mác. Khai nhận ban đầu, đối tượng cho biết đây là các loại thuốc về lợi tiểu và liên quan đến đường tiêu hóa.

Hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả ngày càng nghiêm trọng hơn

Ông Trần Đức Đông – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhận định, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân.

Các nhóm này thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm lớn để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng chuyển từ hình thức sản xuất, kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để đặt hàng nên rất khó để ngăn chặn.

Xung quanh vấn đề vì sao thực phẩm chức năng giả giả ngày càng nở rộ? Ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng, cục nghiệp vụ Tổng cục QLTT cho biết, doanh nghiệp tự công bố chất lượng nộp cho Cục ATTP, tự sản xuất và tự chịu trách nhiệm nên khi công bố một đằng, nhưng sản xuất lại một nẻo. Hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, lực lượng QLTT phải đi hậu kiểm, trong khi cơ quan này còn quản lý rất nhiều hàng hoá khác.

Ông Lê cũng nêu thực trạng báo động nữa là do chưa có tiền kiểm, mà chỉ có hậu kiểm, nên thực phẩm chức năng không đạt chất lượng, khi phát hiện vi phạm thì người tiêu dùng đã sử dụng rồi.

Ngoài ra hiện việc giám định, phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng giả hay thật rất khó khăn. “Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc… là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường”, ông Nguyễn Đức Lê nói.

Để ngăn chặn sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, theo ông Lê, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan phải cùng doanh nghiệp chung tay trong hoạt động chống thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng.

Hiệp hội phải là đầu mối quy tụ doanh nghiệp, người tiêu dùng phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh chống thực phẩm chức năng giả. Cần phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.

“Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng”, ông Lê khuyến cáo.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT xác định hoá phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm liên quan đến sức khoẻ của người dân, do vậy đây là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại của lực lượng QLTT, nhất là trên môi trường Internet. Hiện nay, các loại hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được bán rất nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử kèm theo chương trình khuyến mãi khủng, dùng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm nhằm chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo để không mua phải hàng giả.

Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm từ bao bì, nhãn mác, kích cỡ chai, các loại chữ viết… để phân biệt. Bên cạnh đó, nên mua sản phẩm thật từ cửa hàng chính hãng. Đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội…

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang