Mỹ: Nền tảng Discord trở thành tâm điểm lộ thông tin mật quân sự

author 14:59 14/04/2023

(VietQ.vn) - Nền tảng Discord trở thành tâm điểm chú ý sau khi một thành viên trong nhóm đăng hình ảnh về các tài liệu tình báo mật của Lầu Năm Góc.

Đầu tháng 4, truyền thông Mỹ đưa tin hàng loạt tài liệu tình báo, trong đó có các văn bản đóng dấu tuyệt mật, bị rò rỉ trên mạng xã hội. Thông tin bị lộ gồm đánh giá của Lầu Năm Góc về chiến sự Ukraine, cũng như hoạt động tình báo của Mỹ với đối thủ và đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 11/4 tuyên bố "lật tung mọi tảng đá" đến khi tìm được nguồn gốc của các tài liệu bị rò rỉ. 

Theo Washington Post, loạt tài liệu trên được chia sẻ trong nhóm chat Discord nhiều tháng trước. Lần theo dấu vết, các nhóm Discord như Minecraft Earth Map, End of Wow Mao Zone hay Thug Shaker Central là nơi chia sẻ thông tin mật kể trên đầu tiên. Một số sau đó được đăng lại trên Telegram, Twitter và các website khác.

Discord là gì?

Discord ra mắt năm 2015, được game thủ yêu thích và sử dụng để livestream. Tính đến 2022, nền tảng có 400 triệu người đăng ký và 150 triệu người dùng hàng tháng. Dịch vụ chat và video này ban đầu hướng đến game thủ, sau đó mở rộng sang các nhóm người dùng đa dạng hơn từ 2020 khi đại dịch bùng phát. Người dùng có thể tham gia kênh chat (gọi là máy chủ - server) được thiết lập công khai hoặc riêng tư về chủ đề khác nhau như âm nhạc, meme, tiền số.

Máy chủ có thể có nhiều kênh, nơi người dùng nói chuyện, gửi thông báo hoặc chia sẻ liên kết. Hầu hết kênh chat trên nền tảng được đặt chế độ riêng tư, chỉ có kênh trên 200 thành viên và ở chế độ công khai mới có thể được phát hiện qua công cụ tìm kiếm. Người dùng có thể gia nhập kênh nếu nhận được liên kết.

Nền tảng Discord trở thành tâm điểm chú ý sau khi một thành viên trong nhóm đăng hình ảnh về các tài liệu tình báo mật của Lầu Năm Góc. Ảnh minh họa

Khó kiểm soát thông tin

Việc tài liệu mật xuất hiện trên nền tảng chat như Discord trái ngược với những vụ rò rỉ trước đây. Người đứng sau không gửi thông tin cho truyền thông, không tự công bố như Edward Snowden và cũng không đăng trên website chuyên hé lộ thông tin mật như WikiLeaks. Thay vào đó, theo Washington Post, vụ rò rỉ dường như xoay quanh một người hoặc một nhóm. Người đó có quyền tiếp cận tài liệu tuyệt mật, sau đó chia sẻ lại cho nhóm nhỏ trên Discord - những người ủng hộ và sẵn sàng mổ xẻ phân tích hồ sơ.

Các server này thường có ít thành viên để tránh bị nhòm ngó. Chẳng hạn, Thug Shaker Central hiện chỉ có 20 thành viên, nhưng đứng sau là người có biệt danh Oxide, sở hữu tài khoản YouTube có 173.000 người đăng ký. Oxide 20 tuổi và đang phục vụ trong quân đội Mỹ ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Oxide khẳng định không biết tài liệu mật trên server của mình do ai đăng tải. Mọi thứ gần đây đi vào ngõ cụt, khi anh nói mình phải xóa sạch server để tránh bị điều tra. "Tôi chưa nhận được cuộc gọi nào từ chính phủ nhưng nếu có điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp. Tôi không thể mạo hiểm", Oxide nói với Washington Post.

Còn Wow_mao, chủ kênh End of Wow Mao Zone cũng nói mình không phải là người duy nhất sở hữu tài liệu. "Tôi chắc chắn mình không phải là trung tâm vụ rò rỉ, nhưng server của tôi được chú ý hơn vì hoạt động công khai nên có nhiều người thấy hơn", wow_mao nói trong video đầu tuần này. Trong khi đó, một số nguồn tin giấu tên nói người phát tán thực sự có biệt danh OG, "khoảng 20 - 25 tuổi, làm việc tại một căn cứ quân sự và được phép tiếp cận tài liệu tình báo bí mật".

Vụ rò rỉ chỉ ra thách thức mới với Chính phủ Mỹ trong việc bảo vệ tài liệu quan trọng. Mỹ yêu cầu quân đội và nhân viên chính phủ không được sử dụng TikTok nhằm hạn chế nguy cơ bị thu thập dữ liệu, nhưng họ ít để ý đến Discord, dù nền tảng đang có 19 triệu server trên toàn cầu. Khác với nội dung khiêu dâm, bạo lực, phân biệt chủng tộc vốn dễ phát hiện, tài liệu mật có thể vượt qua hệ thống kiểm duyệt. Giới chuyên gia nhận định việc kiểm soát vấn đề chia sẻ tài liệu mật sẽ khó hơn nhiều lần.

"Các nguồn mới nổi như mạng xã hội cho phép xuất hiện, khuếch đại, thậm chí thử nghiệm các biện pháp truyền đạt thông tin mà không cần kiểm chứng", Thomas Rid, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Johns Hopkins nói với Bloomberg. "Các dịch vụ chia sẻ trực tuyến, đặc biệt là dịch vụ ẩn danh đã được thiết kế riêng để lừa đảo trên quy mô lớn và giờ đây còn phục vụ các mục đích khác". 

Sự va chạm giữa văn hóa Internet và an ninh quốc gia đang diễn ra với tần suất ngày càng tăng trong những năm gần đây. Việc xuất hiện các tài liệu mật trên Discord là lời nhắc nhở rằng thế giới kỹ thuật số đang ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống thực theo những cách đôi khi nguy hiểm. 

Trung Quốc lên tiếng

"Chúng tôi nhận thấy nhiều phương tiện truyền thông đã chỉ ra các tài liệu quân sự của Mỹ bị rò rỉ rõ ràng thể hiện sự can dự sâu sắc của Mỹ vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng một lần nữa cho thấy, Mỹ từ lâu đã tận dụng lợi thế công nghệ để thu thập bí mật, theo dõi và nghe lén các nước trên thế giới bao gồm cả các đồng minh của họ", hãng tin RT dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 12/4. Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Mỹ cần đưa ra một lời giải thích cho cộng đồng quốc tế về việc này".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân.

Trung Quốc là một trong những quốc gia được đề cập đến trong hơn 100 tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ tuần trước. Theo các nguồn tin điều tra, những tài liệu này có thể đã rò rỉ trong các phòng tán gẫu quen thuộc với game thủ từ tháng 1 năm nay, trước khi lan rộng trên những nền tảng mạng xã hội khác như Twitter, Telegram. Chỉ đến tuần trước, vụ rò rỉ này mới bị phát hiện và trở thành tâm điểm của truyền thông.

Các tài liệu được phát tán dưới dạng ảnh chụp, gồm thông tin nhạy cảm liên quan đến nhiều nước khác nhau Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Ai Cập, Ả Rập Xê út và cả đồng minh thân thiết của Mỹ như Hàn Quốc, Israel. Tuy nhiên, phần lớn tài liệu đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngay sau khi phát hiện, giới chức Mỹ đã hạn chế hoạt động chia sẻ thông tin tình báo, đồng thời mở cuộc điều tra nhằm đánh giá tính xác thực của tài liệu, nguồn gốc phát tán và động cơ phía sau. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken nỗ lực liên hệ với các nước đồng minh để xoa dịu vụ việc.

Theo điều tra của báo Washington Post, nghi phạm vụ rò rỉ có thể là thanh niên khoảng 25 tuổi, làm việc tại một căn cứ quân sự của Mỹ, nơi công việc chính của anh ta cho phép tiếp cận và đọc một số lượng lớn tài liệu mật. Người này bắt đầu gửi tài liệu từ cuối năm 2022 và không nhằm mục đích chính trị. 

Người này đã tham gia vào một nhóm kín gồm hơn 20 người có chung sở thích về súng và thiết bị quân sự trên nền tảng nhắn tin Discord từ năm 2020. Ban đầu, các tài liệu được chia sẻ dưới dạng tin nhắn chữ, sau chuyển hẳn sang dạng ảnh chụp như được phát tán trên mạng gần đây.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang